Báo cáo của HoREA cho biết, từ cuối quý II/2022, thị trường bất động sản có dấu hiệu “giảm tốc”, phát triển chậm lại, trầm lắng, nhất là trên thị trường bất động sản thứ cấp. Trong 6 tháng đầu năm 2022, bất động sản là ngành duy nhất tại thành phố Hồ Chí Minh tăng trưởng âm…
Về nguồn cung, thị trường liên tục chứng kiến sự suy giảm theo năm. Nếu lấy mốc năm 2017 – năm thị trường bất động sản bùng nổ nhất, thì những năm tiếp theo thị trường có nguồn cung ngày càng hạn chế.
Cụ thể, năm 2017, TP.HCM có 42.991 căn nhà được đưa ra thị trường, đến năm 2018, nguồn cung chỉ có 28.316 căn nhà, bằng 65,8% so với năm 2017. Năm 2019 nguồn cung có 23.046 căn nhà, bằng 53,6% so với năm 2017. Năm 2020 nguồn cung có 16.895 căn nhà, bằng 39,2% so với năm 2017. Năm 2021 nguồn cung có 14.443 căn nhà, bằng 33,6% so với năm 2017. 6 tháng đầu năm 2022, nguồn cung có 9.456 căn nhà, bằng 44 % so với 06 tháng đầu năm 2017.
Về sản phẩm, thị trường bất động sản đã xuất hiện tình trạng lệch pha phân khúc khi nhà ở cao cấp ngày càng chiếm tỷ lệ áp đảo trong khi nhà ở có giá vừa túi tiền ngày càng vắng bóng. Nhà ở bình dân dưới 30 triệu đồng/m2 năm 2020 chỉ chiếm 1%. Sang năm 2021 và 6 tháng đầu năm 2022, chỉ có nhà ở cao cấp và nhà ở trung cấp, thị trường không còn nhà ở bình dân (0%).
Cụ thể, 6 tháng đầu năm 2022, phân khúc căn hộ cao cấp tăng 111,29%, phân khúc căn hộ trung cấp giảm 34,41%, phân khúc căn hộ bình dân bằng 0%
HoREA cho rằng, thị trường cũng đã xuất hiện tình trạng lệch pha phân khúc thị trường, lệch về phân khúc đất nền với số lượng giao dịch đất nền cao hơn 1,54 lần so với giao dịch căn hộ chung cư và nhà ở riêng lẻ trong 6 tháng đầu năm 2022.
“Các chỉ dấu trên đây đã cho thấy thị trường bất động sản phát triển chưa cân đối, chưa an toàn, chưa lành mạnh, chưa bền vững và chưa thực sự đảm bảo an sinh xã hội về nhà ở cho đông đảo người có thu nhập trung bình, có thu nhập thấp đô thị, công nhân lao động và người nhập cư”, báo cáo của HoREA nhấn mạnh.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa ban hành Nghị quyết về việc thực hiện Chương trình Xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023, điều chỉnh năm 2022. Theo đó, trong phiên họp tháng 9/2022, Dự án Luật Đất đai (sửa đổi) sẽ được đặt lên bàn nghị sự, kịp trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại kỳ họp thứ tư (khai mạc ngày 20/10/2022).
Sau khi tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, hoàn thiện thêm một bước, tháng 3/2023, Dự án Luật Đất đai (sửa đổi) sẽ trở lại bàn làm việc của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, kịp trình Quốc hội thảo luận lần thứ hai ở kỳ họp tháng 5/2023. Cùng phiên họp đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến lần đầu với các dự án Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi), Luật Nhà ở (sửa đổi) và một số dự án luật khác.
Với tiến độ như trên, mục tiêu đến năm 2023 phải hoàn thành sửa đổi Luật Đất đai năm 2013 và một số luật liên quan, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất được nêu tại Nghị quyết số 18- NQ/TW ngày 16/6/2022 về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao đang được thực hiện nghiêm túc.
Tuy nhiên, theo rà soát, có đến hơn 100 luật, bộ luật hiện hành có liên quan đến Luật Đất đai. Trong đó, hàng chục đạo luật có nội dung vướng mắc, chồng chéo với Luật Đất đai hiện hành. Nhưng, chắc chắn rằng, trong 1- 2 năm tới, không thể nào hoàn thành sửa toàn bộ các luật có liên quan đó.
Sự chồng chéo, mâu thuẫn đã và sẽ gây khó khăn cho việc tổ chức thực hiện và làm giảm hiệu lực, hiệu quả của các quy định của pháp luật, dẫn đến chưa khai thác có hiệu quả nguồn lực đất đai cho phát triển kinh tế – xã hội. Sự lãng phí nguồn lực quan trọng này không kỳ họp nào không được nhắc đến ở nghị trường, cùng với thời gian trình Quốc hội sửa Luật Đất đai được đề nghị lùi hết năm này sang năm khác.
Tổng Hợp