Trong bối cảnh, mối lo lạm phát tăng cao, đầu tư vào kênh nào là bài toán đau đầu với nhiều nhà đầu tư. Với kênh bất động sản, giới chuyên gia cho rằng, nếu lạm phát tăng, áp lực tăng giá bất động sản cũng rất lớn.
Cơ hội đầu tư bất động sản lúc nào cũng có, nhưng điều quan trọng nhất là nhà đầu tư phải đánh giá được khả năng chấp nhận rủi ro của mình là gì. Đặc biệt, phải có chiến lược đầu tư đúng với rủi ro.
Trên thị trường bất động sản, có nhiều loại rủi ro khác nhau nhưng chủ yếu được chia thành hai loại rủi ro chính. Rủi ro thứ nhất là rủi ro bản thân dự án và chủ đầu tư. Rủi ro thứ hai là thị trường.
Khi tham gia giai đoạn càng sớm thì rủi ro thị trường càng thấp. Vì khi dự án mới ra chắc chắn chủ đầu tư và môi giới phải làm thị trường cho chúng ta, thanh khoản không phải là vấn đề lo lắng. Nhưng lúc này, rủi ro lớn nhất là pháp lý. Dự án pháp lý có chưa? Chưa có pháp lý cũng chưa phải quá tệ mà khả năng pháp lý của chủ đầu tư thế nào? Lịch sử pháp lý của chủ đầu tư ra sao? Khả năng bán hàng của chủ đầu tư như thế nào?
Lạm phát giống như một mức tham chiếu liên quan đến sự tăng giá của hàng hóa hàng ngày. Những nguyên liệu đó được sử dụng để xây dựng nhà cửa. Nếu giá của những thứ như gỗ, gạch đá, xi măng, cát sỏi… và thiết bị tăng lên, các công ty xây dựng hoặc người bán sẽ giải quyết vấn đề bằng cách tăng giá bán nhà.
Thời gian qua, nhiều người không muốn giữ tiền mặt mà có xu hướng chuyển vào các tài sản. Trong đó, bất động sản vốn được coi là kênh trú ẩn an toàn, chống trượt giá. Nhưng liệu giá bất động sản có chắc chắn tăng khi lạm phát cao và thanh khoản lúc bấy giờ có còn tốt? Các dự án bất động sản hình thành trong tương lai khi mở bán cũng tính sẵn giá tương lai của 2-3 năm sau khi bàn giao sản phẩm, và chắc chắn họ cũng tính luôn phần lạm phát vào mức giá này. Điều này vô hình chung cũng đẩy giá hiện tại của toàn bộ khu vực lên theo.
Theo Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS), hơn một nửa nguồn cung bất động sản nhà ở trong 6 tháng đầu năm nay thuộc phân khúc căn hộ thấp tầng và đất nền, trong khi đó căn hộ bình dân gần như vắng bóng, đây là hiện tượng mất cân đối của thị trường. VARS nhận định phân khúc này có nhiều điều kiện để thiết lập mặt bằng giá mới trong nửa cuối năm nay.
Theo đó, bất động sản nhà ở sẽ tiếp tục gặp khó về nguồn cung do các nguyên nhân như quỹ đất hạn chế, tốc độ cấp phép dự án chậm chạp. Việc kiểm soát các kênh huy động vốn chặt chẽ hơn cũng sẽ khiến nhiều chủ đầu tư gặp khó khăn trong triển khai dự án.
Kết quả khảo sát của VARS với các hội viên là nhà môi giới cho thấy, có tới 90% nhà môi giới nhận định giá căn hộ sẽ tăng trong nửa cuối năm nay. Tỷ lệ các nhà môi giới tin rằng giao dịch sẽ trở nên sôi động chỉ ở mức 53% cho dù nỗi lo lạm phát khiến 83% nhà môi giới cho rằng nên đầu tư bất động sản.
Tổng Hợp