Một thị trường không hướng đến người mua cuối cùng thì không thể bền vững. Do đó, cần những giải pháp tăng quỹ đất, đặc biệt cho các dự án bình dân, hỗ trợ người mua có nhu cầu ở thực, cũng như xây dựng quy trình đấu giá đất công minh bạch để hạn chế đầu cơ.
Hoạt động của các sàn giao dịch bất động sản chưa đảm bảo việc quản lý tốt các giao dịch, phòng chống rửa tiền trong lĩnh vực bất động sản; hoạt động kinh doanh dịch vụ môi giới bất động sản chưa được kiểm soát tốt. Có hiện tượng các sàn giao dịch BĐS câu kết với nhau “ôm hàng”, “làm giá”, “tạo sóng”, “ thổi giá”, gây “sốt ảo” ăn chênh lệch làm nhiễu loạn thị trường…
Để khắc phục những vướng mắc hiện nay trên thị trường nhà ở, Bộ Xây dựng đã kiến nghị các bộ, ngành liên quan theo chức năng, nhiệm vụ được giao trình Quốc hội cho ý kiến và thông qua Luật Đất đai (sửa đổi) để tạo cơ sở pháp lý đối với hoạt động kinh doanh quyền sử dụng đất; Luật Nhà ở (sửa đổi), Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) để tạo khung pháp lý cho hoạt động kinh doanh bất động sản, tăng cường hiệu quả quản lý thị trường bất động sản.
Ngoài ra, tiếp tục nghiên cứu trình cơ quan có thẩm quyền ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền các cơ chế, chính sách pháp luật về đầu tư, quy hoạch, xây dựng, đất đai, thuế, tín dụng, kinh doanh bất động sản… để tăng cường quản lý, tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển thị trường bất động sản.
Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP.HCM cho biết, thị trường bất động sản vẫn chưa phát triển minh bạch, lành mạnh. Điều này biểu hiện rất rõ nét qua tình trạng “lệch pha cung-cầu”. Nguồn cung thiên về phân khúc nhà ở cao cấp, như tại TP.HCM thì nhà ở có giá vừa túi tiền năm 2020 chỉ chiếm 1% tổng số nhà ở, đến năm 2021 thì không còn loại nhà ở có giá vừa túi tiền (0%) nữa, trong khi 74% sản phẩm nhà ở thuộc phân khúc cao cấp, còn lại 26% thuộc phân khúc trung cấp.
“Việc khan hiếm nguồn cung đã đẩy giá nhà tăng cao liên tục trong 5 năm qua, vượt quá khả năng thu nhập của đa số người dân. Hơn nữa, môi trường đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực bất động sản vẫn chưa thực sự thông thoáng, công bằng. Có không ít doanh nghiệp bất động sản yếu kém năng lực, thiếu tính chuyên nghiệp đi đôi với tình trạng “đầu nậu”, “cò đất” hoạt động trái pháp luật, “phân lô bán nền” tràn lan gây “sốt ảo” giá đất tại nhiều địa phương gây thiệt hại cho khách hàng, nhà đầu tư, tác động tiêu cực đến sự phát triển ổn định, bền vững của thị trường bất động sản”, Horea nhận định.
Thực trạng tình hình trên có nguyên nhân khách quan do dịch Covid-19 hoặc do xung đột địa chính trị hoặc do đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu; nhưng chủ yếu là do các nguyên nhân chủ quan, trước hết là một số “vướng mắc” về “thể chế pháp luật” và công tác “thực thi pháp luật” của một số cơ quan nhà nước có thẩm quyền, nhất là một số cán bộ công chức làm việc trong lĩnh vực đất đai, đầu tư xây dựng có tâm lý “sợ sai, sợ trách nhiệm, sợ bị vướng rủi ro pháp lý trong thi hành công vụ” nên chuyển hồ sơ lòng vòng, không dám đề xuất giải quyết.
Trên cơ sở đó, lãnh đạo Horea cho rằng “tháo gỡ vướng mắc” về “thể chế pháp luật” và “thực thi pháp luật” là giải pháp hiệu quả nhất, ít tốn kém nhất và có tính lan tỏa lớn nhất để thị trường bất động sản phát triển minh bạch, công bằng, lành mạnh, ổn định và bền vững.
Ở góc độ quản lý nhà nước, Bộ Xây dựng cũng thừa nhận đang có một số vấn đề đặt ra đối với thị trường nhà ở. Ngoài những vướng mắc nêu trên, bất cập của thị trường còn thể hiện ở việc lập và phê duyệt chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở của các địa phương làm cơ sở triển khai các dự án nhà ở theo quy định của Luật Nhà ở chậm và chưa đảm bảo yêu cầu theo quy định.
Việc tách thửa, phân lô bán nền tại một số địa phương chưa theo đúng quy định của pháp luật. Từ đó làm ảnh hưởng đến trật tự xây dựng, ảnh hưởng xấu đến bộ mặt đô thị, khu dân cư của các địa phương như: đầu tư xây dựng tự phát, không phù hợp với quy hoạch, không đảm bảo sự đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội; tạo cơ hội đầu cơ, đẩy giá bất động sản lên cao nhằm trục lợi… ảnh hưởng đến thị trường bất động sản.
Tại Hà Nội, thống kê của CBRE cũng cho thấy, phân khúc căn hộ cao cấp chiếm tới 55% tổng nguồn cung mới trong 6 tháng đầu năm nay. Nguồn cung căn hộ giá thấp từ cuối năm 2021 đã hoàn toàn biến mất.
Bộ Xây dựng cũng đồng thời đề nghị các địa phương khẩn trương tổ chức lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch xây dựng đô thị, nông thôn, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Rà soát, bổ sung quy hoạch đô thị, quy hoạch khu công nghiệp, bảo đảm dành đủ quỹ đất cho phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, đồng thời thực hiện nghiêm quy định về việc dành 20% quỹ đất ở đã đầu tư hạ tầng kỹ thuật trong các dự án nhà ở thương mại, khu đô thị để đầu tư phát triển nhà ở xã hội theo pháp luật về nhà ở.
Tổng Hợp