Vậy ai là người được hưởng lợi từ quỹ đất sau cổ phần hóa khi nhà nước vẫn đang thất thu những khoản ngân sách rất lớn? Còn những người lao động chỉ biết xót xa nhìn những khu đất vàng bị bỏ phí.
Ðáng chú ý, sự thất thoát tài sản công, đất đai trong cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước không chỉ bởi giá thấp, mà còn xuất hiện tình trạng “tư nhân hóa” đất công thông qua thủ đoạn hợp đồng hợp tác kinh doanh, theo tỷ lệ góp vốn và phân chia lãi lỗ, thành chuyển nhượng luôn khu đất sang tay tư nhân theo “quy trình tắt”, không công khai và không qua đấu giá…
“Thậm chí có biến tướng, không phải cổ phần hóa doanh nghiệp, mà chuyển quyền sử dụng đất sang liên doanh liên kết hoặc phi chính thức”, ông Vũ Đình Ánh, Nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Thị trường – Giá cả, đánh giá.
Việc quản lý đất đai sau cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước không phải bây giờ mới được đặt ra, mà đã được đưa vào nhiều nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ. Tuy nhiên, thực tế vẫn nảy sinh những chồng chéo, như tại các nghị quyết đã nêu rõ, không được chuyển đổi mục đích sử dụng đất sau khi cổ phần hóa, nhưng Luật Đất đai lại không hạn chế, dẫn đến tình trạng lợi dụng chính sách để trục lợi.
“Hiện nay chúng ta đang vướng cái khó nhất là cơ quan đủ thẩm quyền, đủ khả năng trình độ để quản lý đất đai”, ông Vũ Đình Ánh, Nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Thị trường – Giá cả, cho hay.
“Chúng ta cần kết hợp cả hai, thể chế chúng ta làm chặt chẽ và minh bạch, trong tổ chức thực hiện phải gắn trách nhiệm rõ ràng, gắn trách nhiệm công tác giám sát, kiểm tra để kịp thời ngăn chặn và phát hiện”, ông Đặng Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp, Bộ Tài chính, nhận định.
Với hàng trăm khu đất bị bỏ hoang sau khi cổ phần hóa ở nhiều tỉnh, thành trên cả nước không chỉ là nguy cơ phát sinh tiêu cực, thất thoát, mà còn là sự lãng phí nguồn lực quốc gia không nhỏ, nhất là trong bối cảnh chúng ta đang phải đi vay mượn tiền cho đầu tư, phát triển kinh tế – xã hội.
Nhiều ý kiến cho rằng nên tách giá trị đất đai ra khỏi giá trị của doanh nghiệp khi cổ phần hóa và xác định giá đúng quy định pháp luật, đảm bảo quản lý chặt chẽ mục đích sử dụng đất, tránh lãng phí.
Sau Hội nghị Trung ương 5, giữa tháng 6-2022, Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà đã quyết định thành lập ban soạn thảo và tổ biên tập dự án Luật Đất đai sửa đổi.
Tám nhóm công tác được thành lập, gần một tháng qua liên tục làm việc để rà soát, đề xuất các phương án sửa đổi Luật Đất đai 2013 theo từng nhóm nội dung. Đó là nhóm nội dung về quyền, trách nhiệm của đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý đất đai, cơ cấu tổ chức bộ máy làm công tác quản lý nhà nước về đất đai, phân cấp quản lý; nhóm về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, điều tra, đánh giá tài nguyên đất; nhóm tài chính đất đai, giá đất; nhóm thu hồi, giao, cho thuê, chuyển mục đích sử dụng đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi thu hồi đất; nhóm quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất…
Từ nghiên cứu, đề xuất của các nhóm này, Bộ TN&MT với tính chất là cơ quan chủ trì dự luật đã tổ chức nhiều phiên họp tổng hợp, ráp nối để hình thành dự thảo Luật Đất đai sửa đổi, cố gắng thể chế hóa một cách khoa học nhất các quan điểm, định hướng lớn trong Nghị quyết 18 vừa ban hành hôm 16-6.
Tổng Hợp