Việc khôi phục đường bay quốc tế tại các thị trường trọng điểm vẫn gặp khó cùng chi phí nhiên liệu bay “leo thang chóng mặt” khiến các hãng bay vẫn chìm sâu vào thua lỗ.
Tại hội nghị đánh giá kết quả 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2022 của Bộ Giao thông vận tải tuần qua, ông Đinh Việt Thắng, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam, cho biết 6 tháng đầu năm 2022, nhờ đại dịch Covid-19 được kiểm soát, hoạt động tại các cảng hàng không dần nhộn nhịp trở lại.
Lũy kế 6 tháng, sản lượng chuyến bay tại các cảng hàng không ước đạt 205.000 chuyến. Tính riêng thời điểm tháng 6, theo thống kê của Cục Hàng không Việt Nam từ ngày 19/5 – 18/6, tổng số các chuyến bay do các hãng hàng không khai thác đạt 30.808 chuyến, tăng trưởng thần tốc 528,7% so với thời điểm “đóng băng” đường bay năm 2021.
Báo cáo Tổng cục Thống kê nêu rõ, tính chung 6 tháng đầu năm 2022, khách quốc tế đến Việt Nam đạt 602 nghìn lượt người, gấp 6,8 lần so với cùng kỳ năm trước nhưng vẫn giảm sâu 92,9% so với cùng kỳ năm 2019, năm chưa xảy ra dịch Covid-19. Trong số đó, khách đến bằng đường hàng không đạt 523,9 nghìn lượt người, chiếm 87% lượng khách quốc tế đến Việt Nam và gấp 9,4 lần so với cùng kỳ năm trước.
Mặc dù thị trường ghi nhận sự khởi sắc nhưng lãnh đạo Cục Hàng không vẫn bày tỏ lo lắng do việc khôi phục đường bay quốc tế tại các thị trường trọng điểm hiện vẫn gặp khó.
Trong đó, thị trường số một của hàng không Việt Nam là Hàn Quốc vẫn bị khống chế chuyến bay ở số lượng lượng thấp, điều kiện nhập cảnh phức tạp.
Còn Trung Quốc – một thị trường quan trọng của các hãng hàng không Việt Nam, chiếm 32,2% tổng lượng khách quốc tế đến Việt Nam thời điểm trước dịch, hiện chỉ được tăng thêm 1 chuyến/tuần lên 2 chuyến/tuần do quốc gia này vẫn duy trì chính sách Zero Covid. Các thị trường khác như Đài Loan, Nhật Bản đang từng bước mở cửa.
Trong tháng 6, Vietnam Airlines Group gồm Vietnam Airlines, Pacific Airlines và VASCO dẫn đầu khai thác 13.719 chuyến. Tiếp đến, VietJet Air khai thác 12.008 chuyến, tăng hơn 8 lần so với cùng kỳ. Hãng hàng không Bamboo Airways cũng tăng trưởng gấp 2,5 lần cùng kỳ, khai thác tổng cộng 4.565 chuyến. Còn Vietravel Airlines tăng trưởng đột biến về số chuyến bay lên đến 22 lần, đạt 516 chuyến bay.
Về sản lượng hành khách, lượng khách thông qua các cảng hàng không đạt 43,4 triệu khách, tăng 65,5%. Riêng sản lượng hành khách do các hãng hàng không Việt Nam vận chuyển đạt khoảng 21,4 triệu hành khách, tăng 62,4%. Trong đó, sản lượng khách nội địa là 20,8 triệu khách, tăng 57,3%.
Bên cạnh khó khăn do thị trường quốc tế mới đang chậm rãi trở lại đường băng, theo nhìn nhận của các hãng hàng không, khó khăn lớn nhất hiện nay ngăn cản đà hồi phục, khiến các hãng vẫn chìm sâu vào thua lỗ là do chi phí nhiên liệu bay “leo thang chóng mặt”.
Xung đột chính trị giữa một số nước trên thế giới khiến giá nhiên liệu thời gian qua diễn biến bất thường, khó dự báo khiến cho các doanh nghiệp hàng không khó lập kế hoạch chính xác để ước tính chi phí, lợi nhuận.
Theo ông Đinh Việt Thắng, Cục trưởng Cục Hàng không, các hãng hàng không dù khôi phục nhiều đường bay, giải quyết được dòng tiền nhưng do giá xăng dầu tăng phi mã trong suốt thời gian qua khiến doanh thu vẫn chưa bù đắp được chi phí. Ước tính các hãng vẫn lỗ gần 100 tỷ đồng/tháng.
Vì vậy, ngoài nỗ lực tự thân của mỗi doanh nghiệp, Cục Hàng không kiến nghị Bộ Giao thông vận tải xem xét, đề xuất lên Chính phủ giảm thuế xăng dầu hỗ trợ chi phí hoạt động cho các hãng, đồng thời, từng bước nới lỏng giá trần để các hãng linh hoạt giá vé hơn trong thời gian tới.
Tổng Hợp