Năm qua, Kiểm toán Nhà nước đã thực hiện nhiều cuộc kiểm toán Chuyên đề, trong đó có kiểm toán công tác quản lý quy hoạch, cấp phép xây dựng tại các đô thị giai đoạn 2017-2020; Kiểm toán ngân sách nhà nước, bao gồm việc quản lý tiền thuê đất, tiền sử dụng đất tại 18 tỉnh, thành phố. Quá nhiều bất cập trong lĩnh vực quản lý đất đai, xây dựng tại các địa phương…
Theo kết quả kiểm toán công tác quản lý quy hoạch, thì việc ban hành văn bản còn bất cập, chưa kịp thời, đầy đủ. Cụ thể: chưa rà soát định kỳ đối với quy hoạch chung, quy hoạch phân khu quy hoạch chi tiết; chưa kịp thời ban hành, điều chỉnh các văn bản quy định về quản lý quy hoạch đô thị; chưa tổ chức lập, phê duyệt và ban hành quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc đô thị.
Theo ông Nguyễn Khánh Toàn, Kiểm toán trưởng Kiểm toán khu vực VI cho biết, một số địa phương ban hành quyết định giao đất, cho thuê đất trong khi đơn vị chưa hoàn thành nghĩa vụ tài chính; giao đất không qua đấu giá quyền sử dụng đất; đấu giá đất khi chưa hoàn thành giải phóng mặt bằng. Một số địa phương thì chậm ban hành bảng giá đất; cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho từng khu mà không theo từng thửa đất; chuyển đổi mục đích sử dụng đất chưa phù hợp; chưa xử lý các trường hợp sử dụng đất sai mục đích; chưa thu hồi đất đối với tổ chức không còn sử dụng đất.
Báo cáo kết quả kiểm toán cũng nêu rõ: việc lập, điều chỉnh kế hoạch sử dụng đất và quy hoạch sử dụng đất điều chỉnh đến năm 2020 của cấp tỉnh, thành phố chưa đảm bảo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; không bố trí đủ vốn để triển khai thực hiện các dự án; tham mưu ban hành quyết định phê duyệt kế hoạch sử dụng đất hàng năm chưa đảm bảo quy định, thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất, chuyển đổi mục đích sử dụng đất dự án trong đô thị còn nhiều tồn tại; chậm chỉ đạo các đơn vị thực hiện rà soát và truy thu tiền bảo vệ, phát triển đất trồng lúa. Một số dự án có điều chỉnh quy hoạch phải xác định lại nghĩa vụ tài chính hoặc đang được địa phương chỉ đạo kiểm tra, rà soát xác định lại nhưng chưa thực hiện đúng quy định.
Việc ban hành quyết định phê duyệt quy hoạch còn chồng chéo, các văn bản quản lý quy hoạch đô thị không phù hợp; Sở Xây dựng không có văn bản hướng dẫn kiểm tra, tổ chức thực hiện; chế độ báo cáo chưa đầy đủ; Cấp phép xây dựng và quản lý sau cấp phép trên cơ sở văn bản hết hiệu lực hoặc không phù hợp;
Chưa xây dựng và ban hành Chương trình phát triển đô thị toàn thành phố; chậm ban hành quy định về cấp giấy phép xây dựng; Chưa ban hành Quy trình kiểm tra của Đội quản lý trật tự đô thị; Chưa kịp thời tham mưu ban hành mức thu tiền bảo vệ, phát triển đất trồng lúa; Nội dung chưa thống nhất giữa các văn bản; Bộ Xây dựng đã xây dựng các tiêu chuẩn Việt Nam nhưng chưa có quy định phương pháp xác định quy mô và chỉ tiêu dân số tương ứng.
Qua kiểm toán công tác lập, thẩm định, phê duyệt và điều chỉnh đồ án quy hoạch đô thị tại 18 tỉnh/thành phố, Kiểm toán Nhà nước đánh giá: đồ án quy hoạch chung đô thị chưa phù hợp, thống nhất và còn chậm; Đồ án quy hoạch phân khu chưa đảm bảo, xác định các thành phần sử dụng đất còn thiếu; Đồ án quy hoạch chi tiết chưa phù hợp với quy hoạch chung, quy hoạch vùng, quy hoạch phân khu về mục đích sử dụng đất; chưa tuân thủ yêu cầu đánh giá môi trường chiến lược; chưa đảm bảo quy định; Lập, thẩm định, phê duyệt đồ án quy hoạch chi tiết chưa thực hiện Luật Quy hoạch đô thị; Lập, thẩm định và phê duyệt điều chỉnh đồ án quy hoạch đô thị chưa đảm bảo điều kiện.
Bên cạnh đó, nhiều địa phương bố trí chưa đủ quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội; chưa đảm bảo 20% diện tích đất ở hoặc chuyển thành đất nhà ở thương mại; thậm chí không dành 20% tổng diện tích đất ở trong các đồ án quy hoạch chi tiết để xây dựng nhà ở xã hội; Thẩm định, phê duyệt điều chỉnh đồ án quy hoạch chi tiết, quy hoạch chung, quy hoạch phân khu chưa có ý kiến cơ quan có thẩm quyền; chưa tổ chức xin ý kiến cộng đồng dân cư hoặc cơ quan, tổ chức có liên quan.
Ngoài ra, công tác cấp phép xây dựng cũng nhiều bất cập: cấp cho các trường hợp không thuộc đối tượng, chưa đảm bảo quy định hoặc quy chuẩn Việt Nam và quy chuẩn có liên quan; tổ chức cấp giấy phép chưa đảm bảo trình tự, thủ tục, thời gian…
Trong khi đó, nhiều công trình, dự án xây dựng khi chưa được cấp phép hoặc không đúng so với giấy phép. Hầu hết địa phương chưa tổ chức kiểm tra hành vi vi phạm trật tự xây dựng kịp thời; áp dụng mức phạt vi phạm chưa phù hợp; chưa quyết định cưỡng chế buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả; lập biên bản vi phạm hành chính chậm; kiểm tra chưa triệt để, kiên quyết. Một số dự án chuyển mục đích sử dụng so với giấy phép xây dựng không đúng quy định.
Tổng Hợp