Ngân hàng nhà nước không xem xét kéo dài thời gian thực hiện Thông tư này, vì nợ xấu tuy có áp lực tăng lên, có sự quan ngại nhưng vẫn trong tầm kiểm soát.
Việc kéo dài Nghị quyết 42 cũng không hẳn đồng nghĩa các ngân hàng đã được giữ lại “thượng phương bảo kiếm” để xử lý nợ xấu tối ưu. Ông Nguyễn Văn Du, quyền Chánh Thanh tra Cơ quan Thanh tra giám sát NHNN cũng cho biết thêm, mặc dù Nghị quyết 42 về xử lý nợ xấu đã tạo cơ sở pháp lý để các tổ chức tín dụng có thể xử lý nợ xấu tốt hơn trong thời gian qua, nhưng trong Nghị quyết 42 vẫn có một số biện pháp chưa phát huy hết hiệu quả. Hiện tượng các tổ chức tín dụng và sàn VAMC gặp khó khăn trong xử lý nợ xấu, theo ông Du là do quá khứ đã định giá quá cao và đây cũng là thời điểm không thuận lợi để phát mãi tài sản, bán nợ xấu dễ dàng.
Dù vậy, các ngân hàng vẫn đã và đang ráo riết rao bán, phát mãi tài sản hàng loạt để xử lý, thu hồi nợ. “Ngân hàng sẽ hạ giá, hạ giá và điều chỉnh cho đến khi giá thấp hơn, chạm đến nhu cầu người mua”, ông Du nhận định.
Số liệu từ NHNN cho biết, trong 4 tháng đầu năm nay, hệ thống ngân hàng tiếp tục xử lý được 54.900 tỷ đồng nợ xấu, tỷ lệ nợ xấu nội bảng đến cuối tháng 4/2022 ở mức 1,58% là kết quả tích cực.
Một chuyên gia cho rằng việc các ngân hàng ráo riết phát mãi các tài sản thế chấp bảo đảm khoản vay không có khả năng trả nợ với giá trị hàng nghìn tỷ, bên cạnh đó cũng rao bán cả những khoản nợ vay tiêu dùng vài triệu đồng; với danh sách tích cực trên thị trường mua bán nợ trong năm trước lẫn năm nay có cả nhóm Big 4 Vietcombank , BIDV, Agribank, VietinBank, tới các NHTM ở top cạnh tranh hoặc nhóm “chiếu dưới” quy mô nhỏ hơn như Sacombank, ACB, Eximbank, VIB… cho thấy dù đã trích lập dự phòng rủi ro tỷ lệ cao hoặc thậm chí dồn lại, thì nhu cầu bán nợ để giải phóng áp lực tăng vọt nợ xấu hậu 30/6/2022 với mọi tổ chức là có thật.
Ngoài ra, với lãi suất huy động đang mỗi ngày mỗi tiến về hướng thiết lập một mặt bằng mới dù NHNN đang nỗ lực giữ nguyên lãi suất điều hành, hễ nợ xấu còn tồn đọng thì nhà băng còn “chôn vốn” trong khối tài sản, giấy tờ có giá, ngân hàng càng suy giảm chất lượng tài sản.
Trước đó, tại kỳ họp Quốc hội, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng báo cáo nêu rõ, dù quá trình nợ xấu 5 năm qua theo Nghị quyết 42 là rất tích cực, song việc xử lý nợ xấu cũng còn nhiều hạn chế, khó khăn xuất phát từ công tác thực thi, phối hợp triển khai, hướng dẫn từ các bộ, ngành và địa phương. Đặc biệt, về tiêu chuẩn thẩm định giá khoản nợ xấu, về việc thực hiện quyền thu giữ tài sản đảm bảo.
Ngoài ra, còn một số tổ chức tín dụng chưa chủ động, tích cực phối hợp với chính quyền địa phương, cơ quan công an, tòa án các cấp để nhận được sự hỗ trợ tốt nhất khi áp dụng Nghị quyết 42.
Thống đốc cũng cho biết còn có những khách hàng không có ý thức tự giác, trốn tránh trả nợ, không bàn giao tài sản đảm bảo, chống đối, tạo ra các tranh chấp khác liên quan đến tài sản đảm bảo để khởi kiện ra tòa làm kéo dài thời gian xử lý tài sản đảm bảo.
Nghị quyết 42 theo quy định sẽ chấm dứt hiệu lực vào ngày 15/8, song đã được Quốc hội cho phép kéo dài thí điểm, áp dụng đến hết 2023, tạo điều kiện tiến đến Luật hóa xử lý nợ xấu.
Tương ứng với thị phần tín dụng, nhóm Big 4 đang nắm giữ khối tài sản, giấy tờ có giá trong đó chiếm giá trị đa phần là bất động sản dẫn đầu hệ thống. 2/4 tổ chức với tổng tài sản rất lớn, đã giữ được “nợ xấu” đẹp và tỷ lệ trích lập dự phòng cao. Cụ thể như Vietcombank tại cuối 2021 có tỷ lệ bao phủ nợ xấu nội bảng (LLR) cao kỷ lục, đạt 424% và duy trì trên mức 400% đến cuối quý I/2022. Hay BIDV đã trích đủ 100% dự phòng rủi ro cho dư nợ cơ cấu theo các Thông tư 01; 03;14 của NHNN, sớm hơn 2 năm so với yêu cầu của NHNN cũng tại cuối 2021 với LRR riêng khối NHTM thời điểm 31/12/2021 đạt 235%. BIDV thậm chí còn vượt lên Vietcombank về trích lập dự phòng rủi ro xét về giá trị trong quý I/2022.
Tuy nhiên, cũng phải lưu ý rằng mặc dù NHNN đã yêu cầu các tổ chức kiểm soát chặt chẽ hoạt động cho vay để hạn chế nợ xấu mới phát sinh, song tính đến hết quý I/2022, theo BCTC của nhiều ngân hàng, nợ xấu đã tăng lên.
Tổng Hợp