Đại diện nhiều nhà băng đã đề nghị Ngân hàng Nhà nước (NHNN) nới hạn mức tăng trưởng tín dụng một cách phù hợp để các ngân hàng tham gia hỗ trợ khách hàng.
Cơ chế kiểm soát trần tín dụng đối với các ngân hàng thương mại được NHNN áp dụng từ năm 2011, sau giai đoạn tăng trưởng nóng khiến lãi suất, lạm phát bị đẩy lên cao. Theo đó, mức trần tín dụng áp cho các tổ chức tín dụng bình quân là 13-14%, căn cứ vào tình hình lãi suất huy động vốn, dư nợ cho vay của năm trước, tỷ lệ nợ xấu, năng lực quản trị điều hành… Hằng năm, NHNN xem xét cấp hạn mức tín dụng cho các ngân hàng vào đầu quý I, rồi cấp thêm 1-2 lần để phù hợp với mục tiêu điều hành.
Theo Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng, NHNN sẽ phân bổ tín dụng tới các ngân hàng thương mại dựa trên nguyên tắc chung là, ngân hàng nào lành mạnh, quản trị tốt hơn thì được tăng trưởng tín dụng cao hơn. Do dư nợ tín dụng của ngành đã tăng cao trong 5 tháng đầu năm 2022, nên NHNN sẽ phải rà soát kỹ hoạt động tín dụng, cũng như tình hình tài chính của các ngân hàng, vì vậy việc nới room chắc chắn không đều. NHNN sẽ phải căn cứ vào mức độ tuân thủ của các tổ chức tín dụng về an toàn vốn (CAR).
Theo lãnh đạo các ngân hàng, nhu cầu tín dụng của doanh nghiệp sau 2 năm Covid-19 giống như cơn khát sau trận hạn hán, nên dư nợ tăng rất nhanh và ngân hàng sớm cạn room khi kết thúc 2 quý đầu năm nay. Với room tín dụng hiện nay, chắn chắc sẽ không đáp ứng đủ nhu cầu của doanh nghiệp. Vì vậy, đại diện nhiều nhà băng đã đề nghị Ngân hàng Nhà nước (NHNN) nới hạn mức tăng trưởng tín dụng một cách phù hợp để các ngân hàng tham gia hỗ trợ khách hàng.
Với mục tiêu tăng trưởng tín dụng năm nay khoảng 14% và thực tế như trên, giới phân tích dự báo, NHNN sẽ sớm cấp thêm room cho các ngân hàng. Về thời điểm nới room tín dụng, các chuyên gia của Công ty cổ phần Chứng khoán SSI cho rằng, NHNN sẽ cấp thêm hạn mức tín dụng vào thời điểm hợp lý, kỳ vọng có thể diễn ra vào cuối quý III/2022 và mức điều chỉnh phụ thuộc vào sức khỏe tài chính của từng ngân hàng.
Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Khối Phân tích khách hàng cá nhân, Yuanta Việt Nam nhận định, nếu không được bơm vốn, doanh nghiệp có thể không phục hồi được, gây ra áp lực nợ xấu, không tốt cho cả hoạt động tín dụng lẫn nền kinh tế. Các ngân hàng có chất lượng tài sản tốt, tài chính lành mạnh, bộ đệm vốn tốt sẽ được ưu tiên giao room tín dụng cao hơn. Các ngân hàng có thể chủ động phát hành thêm cổ phiếu từ nguồn lợi nhuận giữ lại để tăng vốn điều lệ, tăng tỷ lệ an toàn vốn để có thể tiếp tục cho vay.
Tổng Hợp