Từ đầu năm 2022, giá dầu thô và giá xăng dầu thành phẩm thế giới có xu hướng tăng cao. Bộ Tài chính cho biết, qua nghiên cứu phản ứng chính sách của các nước cho thấy, để giảm thiểu tác động tiêu cực do giá xăng dầu tăng cao, nhiều quốc gia thực hiện điều chỉnh chính sách thuế tùy thuộc vào bối cảnh cụ thể của từng nước.
Theo Bộ Tài chính, trước biến động bất thường của giá xăng dầu, nhiều quốc gia mạnh tay giảm thuế VAT, thuế tiêu thụ đặc biệt, thậm chí trợ cấp từ ngân sách, thẳng tay hỗ trợ tiền mặt cho người dân. Đánh giá tác động của việc giảm thuế bảo vệ môi trường đối với mặt hàng xăng dầu đến chỉ số CPI, Bộ Tài chính tính toán, với giả định giá bán lẻ xăng dầu trong nước cũng giảm tương ứng 550 – 1.100 đồng/lít (bao gồm cả thuế VAT) như các mức giảm thuế bảo vệ môi trường theo đề xuất và giữ ổn định trong các tháng còn lại của năm 2022, trường hợp Nghị quyết có hiệu lực từ ngày 1/8/2022 thì ước tác động của giải pháp giảm thuế bảo vệ môi trường sẽ góp phần giảm chỉ số CPI bình quân năm 2022 khoảng 0,16%.
Tuy nhiên, “do thuế bảo vệ môi trường là số tuyệt đối, chỉ số CPI là số tương đối nên tác động của việc giảm thuế bảo vệ môi trường đến chỉ số CPI còn tùy thuộc vào biến động của mức giá bán lẻ xăng dầu tại mỗi kỳ điều hành”, Bộ Tài chính đánh giá.
Thứ nhất, đối với biện pháp giảm thuế, một số quốc gia mạnh tay giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) đến 15%.
Cụ thể, Bỉ giảm thuế VAT khí đốt xuống 6% từ ngày 1/4/2022 đến ngày 30/9/2022. Hai quốc gia như Croatia và Ba Lan giảm thuế suất thuế VAT khá lớn như: Croatia giảm thuế VAT đối với khí đốt và nhiệt từ 25% xuống 13%; Ba Lan giảm thuế suất thuế VAT đối với xăng và dầu diesel giảm từ 23% xuống 8% trong 6 tháng từ ngày 1/2/2022…
Một số quốc gia lựa chọn giảm thuế tiêu thụ đặc biệt đến 50%. Trong đó, Úc giảm 50% thuế tiêu thụ đặc biệt đối với nhiên liệu, từ 0h ngày 29/3/2022 đến ngày 28/9/2022; Thái Lan giảm 3 bạt/lít thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng từ ngày 18/2/2022 đến ngày 20/5/2022 và giảm 5 bạt/lít thuế tiêu thụ đặc biệt đối với dầu diesel từ 20/5/2022 đến ngày 20/7/2022.
Hà Lan giảm thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng và dầu diesel xuống 21%; Ai Len giảm thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng và dầu diesel lần lượt là 20 cent/lít và 15 cent/lít…
Thứ hai, biện pháp trợ giá năng lượng. Ngoài các biện pháp ứng phó về thuế, một số quốc gia đưa ra biện pháp trợ giá năng lượng khi giá năng lượng tăng cao. Biện pháp này như một khoản trợ cấp từ ngân sách nhà nước cho doanh nghiệp chịu ảnh hưởng do chi phí nguyên nhiên vật liệu tăng cao và người dân, đặc biệt là những người thuộc nhóm thu nhập thấp và trung bình.
Thứ ba, biện pháp về chi tiêu. Một số quốc gia đưa ra gói hỗ trợ các hộ gia đình bị tổn thương thông qua giải pháp hỗ trợ bằng tiền mặt như tại Đan Mạch, Đức, Na Uy, Anh…; gói hỗ trợ các doanh nghiệp, nhà buôn bán dầu như tại Nhật Bản.
Bộ Tài chính khẳng định, xăng dầu vừa là mặt hàng chiến lược, quan trọng, vừa là mặt hàng thiết yếu, có tác động mạnh đến hoạt động sản xuất kinh doanh và đời sống của người dân, tác động trực tiếp đến ổn định kinh tế vĩ mô.
“Việc giá xăng dầu tăng cao sẽ gây áp lực lớn đến chi phí sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp cũng như chi tiêu của người dân”, Bộ Tài chính nhìn nhận.
Vì vậy, để góp phần ổn định giá xăng dầu, việc điều chỉnh thuế với mặt hàng xăng dầu là cần thiết. Gần đây nhất, Bộ Tài chính đề xuất giảm kịch sàn thuế bảo vệ môi trường 500-1.000 đồng/lít với xăng, dầu tuỳ loại tại dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn, dẫn đến giảm thu ngân sách cả năm khoảng 20.305 tỷ đồng.
Tổng Hợp