Đến cuối giờ chiều 10/6, giá vàng trong nước tiếp tục sụt giảm. Giá bán vàng SJC giảm khoảng 200.000 đồng/lượng, xuống 69,38 triệu đồng. Trong khi giá vàng các thương hiệu khác dao động quanh 54,6 triệu đồng. Đáng chú ý, khi giá vàng neo ở mức cao, tâm lý đầu cơ của nhiều người cũng giảm.
Đại diện nhiều cửa hàng cho biết, giá vàng SJC có biên độ dao động lớn, cao điểm có thể tăng giảm một vài triệu đồng một ngày, nên chỉ phù hợp với người mua đầu cơ, chờ sóng. Còn đa phần người dân muốn nắm giữ ổn định thì mua vàng nhẫn. Gần đây, khi giá vàng ít biến động, số người đầu cơ cũng giảm hẳn.
“Cầu của khách hàng không tăng, thậm chí họ tận dụng giai đoạn có sóng trong 1 – 2 ngày, giá lên cao là họ bán, nên cung của vàng có thể cao hơn trong giai đoạn này. Qua theo dõi, chúng tôi thấy cầu không lớn, ước tính giảm 50 – 60%”, ông Nguyễn Đức Anh, Phó Tổng Giám đốc Công ty Vàng bạc đá quý Bảo Tín Mạnh Hải, cho hay.
“Lượng khách giao dịch thưa thớt, giảm 50% so với thời gian tháng Giêng, hoặc trước dịch”, ông Đinh Đức Hùng, Giám đốc Công ty Vàng bạc Bảo tín Đức Hùng, thông tin.
Nguồn cầu giảm, lại có xu hướng dịch chuyển từ vàng miếng sang vàng trang sức, tuy nhiên cũng không gây ảnh hưởng tới cơ cấu nguồn cung vàng trong thời điểm này.
Trong phiên chất vấn trước Quốc hội, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết thị trường có xu hướng bán ròng khi nhiều người dân bán ra lúc giá tăng cao, làm tăng cung vàng nguyên liệu. Cùng lúc, chủ trương chống vàng hóa không cho phép nhập khẩu vàng để sản xuất vàng miếng, do vậy, một phần nguồn cung vàng miếng sau khi được mua đi bán lại, cũng đã chuyển sang sản xuất vàng trang sức mỹ nghệ, nguồn cung vàng vì thế vẫn ổn định, không nhiều biến động.
Vàng là tài sản chống lạm phát được ưa chuộng, nhưng vàng không mang lãi suất nên chịu áp lực giảm giá trong môi trường lãi suất tăng. Ngoài ra, vàng được định giá bằng USD trong giao dịch quốc tế, nên giá USD tăng thường khiến giá vàng giảm.
Tổng Hợp