Năm 2022, NHNN tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng không chia cổ tức bằng tiền mặt, tiết giảm chi phí để giảm lãi suất và hỗ trợ khách hàng. Nhiều nhà băng triển khai kế hoạch tăng vốn khủng…
Chỉ thị số 01/CT-NHNN về tổ chức thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2022, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng tiếp tục chỉ đạo các ngân hàng cắt giảm chi phí hoạt động, giảm chỉ tiêu lợi nhuận, và không chia cổ tức bằng tiền mặt năm nay để hạ thêm lãi suất cho vay.
Các ngân hàng cũng “chuộng” phương án trả cổ tức bằng cổ phiếu giúp tăng vốn, nâng cao tỷ lệ an toàn vốn, tăng tín dụng. SHB, ACB, MSB, VIB cũng tăng vốn từ 25 – 35% thông qua việc cổ tức và cổ phiếu thưởng.
MSB chia cổ tức 2021 tỷ lệ 30% để tăng vốn lên trên 20.000 tỷ đồng trong 2022. VIB thông qua trả cổ tức, thưởng cổ phiếu tỷ lệ 35%, phát hành 0,7% vốn cho cán bộ công nhân viên từ nguồn vốn chủ sở hữu. Qua đó, VIB nâng vốn điều lệ lên 21.000 tỷ đồng.
NHNN cũng đã chấp thuận cho SeABank sẽ tăng vốn điều lệ từ 16.598 tỷ đồng lên 22.690 tỷ đồng trong năm nay để tiếp tục nâng cao năng lực tài chính, bổ sung thêm nguồn vốn cho hoạt động kinh doanh nhằm thực hiện các mục tiêu tăng trưởng đã đề ra.
Ngân hàng sẽ thực hiện tăng vốn điều lệ thông qua các hoạt động: Phát hành cổ phiếu để trả cổ tức và tăng vốn từ nguồn vốn chủ sở hữu, Phát hành cổ phiếu theo Chương trình lựa chọn dành cho CBNV của SeABank năm 2022 (ESOP 2022) và phát hành cổ phiếu riêng lẻ…
Về kế hoạch tăng vốn điều lệ, MB tiếp tục triển khai phương án tăng vốn điều lệ thêm 892,4 tỷ đồng đã được thông qua tại ĐHĐCĐ năm 2021.
Theo đó, ngân hàng sẽ phát hành 70 triệu cổ phiếu riêng lẻ cho Viettel và 19,24 triệu cổ phiếu theo chương trình lựa chọn cho người lao động (ESOP).
Đồng thời phát hành 755,6 triệu cổ phiếu để trả cổ tức năm 2022 (tương đương với tỷ lệ 20% tổng số cổ phần phổ thông đang lưu hành tại thời điểm 31/12/2021). Qua đó tăng vốn điều lệ thêm 7.556 tỷ đồng. Thời gian dự kiến phát hành trong năm 2022.
Ngoài ra, ngân hàng này cũng có kế hoạch chào bán thêm 65 triệu cổ phiếu riêng lẻ mới. Giá thỏa thuận không thấp hơn giá trị sổ sách theo báo cáo tài chính được kiểm toán tại thời điểm gần nhất. Hội đồng quản trị MB cho biết, thời gian thực hiện chào bán trong năm 2022 và 2023.
Ở khối NHTM có vốn nhà nước, Vietcombank, VietinBank, BIDV cũng đều lên kế hoạch tăng vốn trong năm 2022, trong đó: BIDV có kế hoạch tăng vốn điều lệ thêm 10.623 tỷ đồng lên mức 61.208 tỷ đồng, tương đương với mức tăng 21%.
Vietcombank có kế hoạch tăng vốn điều lệ thêm gần 8.566 tỷ đồng, để đưa vốn điều lệ từ 47.325 tỷ đồng lên 55.891 tỷ đồng. Còn tại VietinBank cũng có kế hoạch tăng vốn điều lệ thêm 5.694 tỷ đồng, lên 53.751 tỷ đồng.
Lý giải việc tăng vốn khủng trong năm 2022, các ngân hàng cho rằng, với kế hoạch tăng trưởng quy mô kinh doanh liên tục hàng năm, việc tăng vốn điều lệ là cần thiết để giúp ngân hàng nâng cao năng lực tài chính, đảm bảo hệ số an toàn vốn (CAR) theo quy định của các cơ quan chức năng.
Số liệu thống kê từ NHNN cho thấy, tính đến tháng 9/2021, CAR của nhóm NHTM cổ phần ở mức 11,38%; còn CAR của nhóm NHTM có vốn nhà nước ở 9,17%…
Dù cao hơn so với quy định tại Thông tư 41/2016/TT – NHNN (theo quy định là 8%) nhưng để đáp ứng các nhu cầu phát triển an toàn, lành mạnh trước những biến động của thị trường thì việc tăng vốn để tăng hệ số CAR là điều cần thiết đối với các ngân hàng.
Với hệ số CAR như hiện nay, một nghiên cứu của tổ chức xếp hạng tín nhiệm Fitch Ratings gần đây cho rằng, quy mô vốn của các ngân hàng Việt Nam có thể tăng thêm khoảng 10,7 tỷ USD trong 2 – 3 năm tới để đạt các tỷ lệ an toàn hoạt động theo quy định.
Tổng Hợp