Những diễn biến trên thị trường Việt Nam chịu tác động nhất định từ thay đổi, biến động bên ngoài. Đáng chú ý nhất là quyết định tăng lãi suất lần thứ hai liên tiếp của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), xu hướng tăng mạnh lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ, lạm phát dâng cao và đột biến tại các nền kinh tế lớn…
Thực tế trong đời sống và các dòng chảy nổi bật về kinh tế vừa qua, giá nhiên liệu đang thực sự “đốt nóng” sự quan tâm chung, gây sức ép lên lạm phát.
Một trọng số tính CPI là giá lương thực thực phẩm cũng đứng trước xu hướng tăng, bởi chi phí đầu vào liên tục tăng và “mặt bằng” giá trên thị trường quốc tế đã lên cao.
Ngoại trừ yếu tố lạm phát, hướng ổn định dần nói trên thể hiện rõ trong dự báo của Hội Nghiên cứu Thị trường liên ngân hàng Việt Nam (VIRA) cho tháng 6/2022.
Định kỳ hàng tháng, VIRA công bố dự báo của các thành viên, đến từ khối nghiên cứu của hầu hết các ngân hàng thương mại và một số công ty chứng khoán lớn tại Việt Nam, về 4 chỉ tiêu chính: chỉ số giá tiêu dùng (CPI) so với cùng kỳ năm trước; lãi suất VND kỳ hạn 1 tuần trên thị trường liên ngân hàng; tỷ giá USD/VND giao ngay trên thị trường liên ngân hàng; lợi suất trái phiếu Chính phủ kỳ hạn 10 năm.
Tháng 5 và nối sang đầu tháng 6 này, thị trường tiền tệ đón những biến động đáng chú ý nhất kể từ đầu năm đến nay: Lợi suất trái phiếu Chính phủ (TPCP) liên tiếp tăng mạnh; lãi suất VND trên thị trường liên ngân hàng bất ngờ liên tiếp rơi sâu; tỷ giá USD/VND bật mạnh và sát “trần”…
Nước xa không chữa được lửa gần. Trong khi các cơ quan quản lý đang tiếp tục thảo luận, nghiên cứu, đề xuất các chính sách thuế nhằm hạ nhiệt giá cả, chưa kể một số mặt hàng có phổ rộng như sách giáo khao, giáo dục và y tế…, lại “vô tình” tăng ở thời điểm đang quan ngại giá cả, thì xu hướng tăng lên của CPI khó cản. Một kỳ dự báo ít thấy khi nhiều thành viên VIRA cùng chung dự tính CPI tháng này sẽ tăng trên mốc 3% so với cùng kỳ 2021; bình quân dự báo cũng ở mức cao với 2,96%.
Tuy nhiên, ở tình hình chung, yếu tố lạm phát đã không còn bất ngờ, có phần dịu bớt và thậm chí trong các bình luận quốc tế đã có không ít nhận định đã hoặc gần đạt đỉnh.
Điểm bất ngờ hơn cả vừa qua và hiện nay: lãi suất VND trên thị trường liên ngân hàng liên tục lao dốc mạnh. Lãi suất VND qua đêm cuối tháng 5 đầu tháng 6 có thời điểm xuống chỉ còn quanh 0,4%/năm; kỳ hạn 1 tuần có những phiên chỉ còn quanh 0,7%/năm.
Lãi suất VND kỳ hạn 1 tuần trên thị trường liên ngân hàng là chỉ tiêu VIRA dự báo. Gần đây lãi suất kỳ hạn này đã tăng trở lại, dù vẫn khá thấp. Yếu tố bất ngờ vừa qua cũng nguội dần, khi không còn thành viên nào dự báo sẽ còn những mức dưới 1% ở kỳ hạn 1 tuần nữa. Song, sự phân hóa vẫn rõ nét trong dự báo của các thành viên; số ít thành viên dự báo trong tháng này vẫn giữ mức thấp sát 1%/năm, nhưng đa số đã hướng về quanh 1,5%/năm, dự báo bình quân là 1,38% cho tháng này.
Diễn biến liên quan đến lãi suất VND trên thị trường liên ngân hàng được chú ý nhiều, vì nó phản ánh bối cảnh. Bối cảnh của hệ thống ngân hàng Việt Nam hiện nay chính là hiện tượng ứ đọng vốn ngắn hạn, khiến lãi suất giảm sâu nói trên.
Trước hết, yếu tố Fed tăng lãi suất và triển vọng đã được thị trường định giá, không còn chộn rộn và có phần quan ngại như trước thềm các lần tăng vừa qua. Trong khi đó, trên thị trường Việt Nam, các kênh đầu tư như chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp vừa trải qua “cú sốc” trong tháng 4 nối sang tháng 5 và hiện chưa thực sự cân bằng hoặc khơi thông trở lại. Cùng đó, thị trường và hoạt động đầu tư bất động sản có phần khựng lại khi tín dụng hạn chế đi.
Các nguồn tiền nóng ở những kênh trên gần như cùng lúc hạ nhiệt, “tạm nghỉ” hoặc nghe ngóng và dồn vào hệ thống ngân hàng ở dạng tiền gửi có thể sẵn sàng linh hoạt. Nguồn tiền vào hệ thống dâng lên.
Đáng chú ý, ở góc quan sát của giới nghiên cứu thị trường liên ngân hàng, dòng tiền gửi Kho bạc Nhà nước tại Ngân hàng Nhà nước cũng đã dâng sang hệ thống ngân hàng thương mại, hiện ước vào khoảng 200.000 tỷ đồng, tăng cỡ 140.000 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước.
Nước từ các nguồn chảy vào và dâng lên, trong khi đầu ra tín dụng của nhiều ngân hàng thương mại đã bị hạn chế, sau khi có dấu hiệu cạn “room” chỉ tiêu cho phép từ quá sớm. Hai chiều quan hệ này ép lãi suất liên ngân hàng xẹp xuống.
Khi lãi suất VND giảm mạnh và sâu trên thị trường liên ngân hàng, chênh lệch so với lãi suất USD trên cùng thị trường bị co hẹp, thậm chí đã âm đáng kể ở qua đêm. Một điểm liên quan, tỷ giá USD/VND bật tăng, dĩ nhiên vừa qua còn có tác động từ các lần tăng lãi suất của Fed; và cũng đáng để mắt ở dòng vốn ra khi tài sản tài chính sụt giảm và có tâm lý lo ngại rủi ro cần phòng vệ với tỷ giá…
Trên thực tế, tỷ giá USD/VND giao ngay trên thị trường liên ngân hàng đã tăng mạnh trong tháng 5 và sang đầu tháng 6; giá USD giao ngay đã áp sát “trần” (mức giá Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước yết bán ra) thời gian gần đây.
Tổng Hợp