Việc siết lại thị trường trái phiếu đã lập tức ảnh hưởng đến dòng tiền vào TTCK do một lượng vốn lớn dành để mua lại trái phiếu trên thị trường, từ những nhà đầu tư cá nhân, đã chiếm hạn mức tín dụng còn lại. TTCK đang nghe ngóng những tín hiệu từ Ngân hàng Nhà nước trong việc cấp thêm room tín dụng…
Tại hội nghị triển khai gói hỗ trợ lãi suất 2% vừa qua, Ngân hàng Nhà nước cho biết từ đầu năm 2022 đã có chỉ đạo, định hướng tín dụng tập trung vào các lĩnh vực sản xuất – kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên; kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro.
Rõ ràng, Ngân hàng Nhà nước đã và đang phát đi thông điệp rõ ràng trong điều hành để giảm kỳ vọng của các doanh nghiệp, nhà đầu tư vốn đang quen với môi trường tiền rẻ, tiền dễ vừa qua để nhanh chóng thay đổi, điều chỉnh các kế hoạch đầu tư, kinh doanh phù hợp với môi trường tiền tệ mới.
TTCK sẽ phản ánh diễn biễn thận trọng của chính sách tín dụng, tiền tệ. Tuy nhiên, có thể khá chắc chắn rằng room tín dụng cũng sẽ được cấp lại để đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp ở các ngành sản xuất cơ bản, các ngành kinh doanh đang phục hồi mạnh mẽ sau dịch. Khi đó, dòng chảy của nguồn vốn sẽ được nới rộng thông suốt hơn quá trình co kéo tự điều chỉnh như mấy tháng qua. Và tâm lý trên TTCK nhờ đó sẽ vững vàng hơn.
Nhìn từ góc độ tiềm năng của thị trường, bên cạnh định giá hấp dẫn được nhắc đến bởi nhiều tổ chức, cá nhân uy tín thì Đầu tư Chứng khoán ghi nhận, một số công ty chứng khoán vẫn huy động được nguồn vốn giá rẻ từ nước ngoài.
Ngày càng nhiều hơn những tiếng nói cả từ phía ngân hàng và doanh nghiệp kiến nghị room tín dụng cần sớm bổ sung. Nhưng trong khi áp lực nới hạn mức trên thị trường là có thật và cũng đã được trao đổi thắng thắn tại hội nghị ngành ngân hàng mới đây, một số chuyên gia dự báo, việc cấp thêm room tín dụng không dễ diễn ra trước thời hạn.
Bởi lẽ, áp lực lạm phát còn đang lơ lửng ở phía trước. Giá các nguyên liệu cơ bản trên thế giới đều tăng cao. Kịch bản giá dầu tiếp tục tăng và neo ở mức cao trong vài tháng tới vẫn có thể xảy ra, gây áp lực lên lạm phát ở Việt Nam.
việc siết lại thị trường trái phiếu đã lập tức ảnh hưởng đến dòng tiền vào TTCK do một lượng vốn lớn dành để mua lại trái phiếu trên thị trường, từ những nhà đầu tư cá nhân, đã chiếm hạn mức tín dụng còn lại. Không chỉ doanh nghiệp ở các lĩnh vực có rủi ro cao như bất động sản, hay công ty chứng khoán không còn hạn mức vay cho vay margin, mà doanh nghiệp ở những ngành sản xuất cũng khó tiếp cận vốn tín dụng do hết room.
Động thái tích cực từ dòng vốn ngoại, dù không thể đảo ngược thị trường khi giao dịch từ khu vực này hiện chỉ có chiếm tỷ trọng chưa đầy 10% thanh khoản, nhưng là chỉ báo đáng chú ý bởi họ là những nhà đầu tư chuyên nghiệp.
Có thêm dòng vốn lớn từ các nhà đầu tư nước ngoài chảy vào TTCK Việt Nam, thị trường sẽ có thêm sắc diện mới. Đó cũng chính là kỳ vọng sau những thỏa thuận, ghi nhớ được ký kết giữa các doanh nghiệp Việt Nam và Hoa Kỳ trong chuyến công tác của Thủ tướng Chính phủ tại xứ cờ hoa mới đây.
Có dòng tiền cực lớn, song các nhà đầu tư nơi đây cũng đang bí kênh đầu tư. Họ háo hức tìm hiểu cơ hội đầu tư từ phái đoàn Việt Nam, nhưng để thu hút được “các nhà đầu tư khó tính” này giải ngân lại không dễ.
Dòng vốn đầu tư cả trực tiếp và gián tiếp từ nền kinh tế lớn nhất thế giới vào Việt Nam cho đến nay mới đạt 10 tỷ USD đã cho thấy thực tế đó. Doanh nghiệp trong nước sẽ phải nâng cấp và làm mới mình theo các chuẩn mực quốc tế cao cấp.
Chưa kể khẩu vị của các nhà đầu tư Hoa Kỳ là “chơi lớn”, mỗi thương vụ đầu tư ít nhất cũng ở quy mô vài trăm triệu USD, còn giải ngân qua quỹ, thấp cũng chừng 50 triệu USD. Dù vậy, cả 2 khách mời tham dự Talkshow “Chọn danh mục” của Báo Đầu tư Chứng khoán tuần qua đều nhận định, nền kinh tế Việt Nam và doanh nghiệp Việt Nam sẽ có chuyển biến tích cực nếu thu hút được dòng vốn Hoa Kỳ.
Tổng Hợp