Bộ Tài chính nêu ra một loạt tồn tại, hạn chế trên thị trường vốn, trong đó có nhắc đến vụ FLC, Tân Hoàng Minh. Lãnh đạo Bộ Tài chính cũng đưa ra các giải pháp chấn chỉnh và xử lý các hành vi vi phạm, đặc biệt là tình trạng thao túng, làm giá, đưa thông tin xuyên tạc, thiếu kiểm chứng, không chính xác ảnh hưởng đến thị trường…
Bộ Tài chính đánh giá trên thị trường cổ phiếu, chứng khoán phái sinh thời gian qua, đã xuất hiện các hiện tượng thao túng giá, làm giá ngày càng tinh vi, nhiều mã chứng khoán được đẩy giá lên cao không gắn với tình hình hoạt động kinh doanh, nghĩa vụ công bố thông tin của một số doanh nghiệp đại chúng, công ty niêm yết, nhà đầu tư còn chưa đảm bảo chất lượng (điển hình là vụ việc của FLC và Louis).
Trước những tồn tại, hạn chế nêu trên, Bộ Tài chính khẳng định sẽ triển khai nhiều đồng bộ các giải pháp như phối hợp chính sách tài khóa, tiền tệ; hoàn thiện khung pháp lý; tổ chức điều hành thị trường; quản lý giám sát; cải thiện chất lượng cầu đầu tư; tuyên truyền.
Trong đó, Bộ Tài chính có kế hoạch quản lý chặt chẽ việc xác định nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, việc đầu tư của nhà đầu tư cá nhân; giám sát phương thức phân phối trái phiếu để tránh việc bán cho nhà đầu tư không đúng đối tượng; yêu cầu xếp hạng tín nhiệm; tăng cường trách nhiệm và có biện pháp quản lý giám sát các tổ chức trung gian.
Cơ quan quản lý cũng sẽ thanh tra, kiểm tra các doanh nghiệp phát hành và công ty chứng khoán cung cấp dịch vụ; phối hợp với Ngân hàng Nhà nước quản lý, giám sát việc các tổ chức tín dụng phát hành, đầu tư và cung cấp dịch vụ về trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ.
Trong khi đó, thị trường trái phiếu doanh nghiệp tăng trưởng nhanh dẫn tới phát sinh rủi ro như một bộ phận nhà đầu tư cá nhân chưa hiểu biết rõ về pháp luật đã gian lận khi xác định trở thành nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp để mua trái phiếu riêng lẻ.
Ngoài ra, một số tổ chức cung cấp dịch vụ (công ty chứng khoán, công ty kiểm toán, công ty thẩm định giá…) chưa tuân thủ quy định pháp luật trong việc tư vấn hồ sơ chào bán, kiểm toán báo cáo tài chính, định giá tài sản đảm bảo hoặc chào mời không đúng đối tượng nhà đầu tư, đang bị các cơ quan chức năng thanh tra, kiểm tra để xử lý vi phạm, như vụ việc của Tân Hoàng Minh; tình hình tài chính của một số doanh nghiệp phát hành còn hạn chế, một số doanh nghiệp sử dụng vốn cho mục đích không rõ ràng.
Ở góc độ thực thi, Bộ Tài chính cho rằng đầu tiên do tính tuân thủ của một số doanh nghiệp phát hành chưa cao, có doanh nghiệp cố tình vi phạm và thông đồng với các công ty chứng khoán, tổ chức cung cấp dịch vụ để thực hiện các hành vi gian lận trên thị trường.
Thứ hai, nhận thức của nhà đầu tư còn hạn chế, đặc biệt là các nhà đầu tư cá nhân, dù đã được thông tin, cảnh báo nhiều lần nhưng vẫn đầu tư theo tâm lý đám đông, tin đồn, chưa có kinh nghiệm phân tích, khả năng quản lý tài chính, đầu tư. Thậm chí, có nhiều cá nhân đã đầu tư theo hình thức hợp đồng góp vốn do đó không được coi là chủ sở hữu trái phiếu.
Lý do cuối cùng mà Bộ Tài chính đưa ra là tính tuân thủ và đạo đức nghề nghiệp của một số tổ chức cung cấp dịch vụ chưa cao, một số tổ chức trung gian (ngân hàng, công ty chứng khoán) cung cấp thông tin không đầy đủ để lôi kéo khách hàng cá nhân. Ngoài ra, có trường hợp doanh nghiệp hỗ trợ lập hồ sơ chào bán có thông tin chưa chính xác, hoặc hỗ trợ hợp thức hóa hồ sơ xác định nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp để được mua trái phiếu riêng lẻ.
Tổng Hợp