Các doanh nghiệp bất động sản đang là khách hàng lớn của ngân hàng. Họ đang bị siết trái phiếu doanh nghiệp, cùng với đó là thị trường chứng khoán đang “đỏ lửa”, dòng vốn của doanh nghiệp sẽ rất khó khăn. Hiện tại, đang có đến 70% tài sản bảo đảm cho các khoản vay tại ngân hàng là bất động sản. Như vậy, số lượng tài sản bảo đảm trên tổng dư nợ khá lớn.
Theo TS Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, chúng ta thử đặt lại vấn đề là ngành kinh doanh bất động sản đang được cho là rất khó khăn, vậy thì tại sao giá bất động sản vẫn đang tăng gấp nhiều lần so với trước đây? Giá tăng như vậy khiến cho nhiều người dân có nhu cầu không mua được nhà. Tại sao giá tăng như vậy? Liệu có hiện tượng làm giá hay không… là những câu hỏi cần có lời giải đáp thỏa đáng.
Theo tôi, trong lúc này ngân hàng nên hết sức thận trọng khi cho vay bất động sản. Bởi nếu giá trị một căn nhà trước đây chỉ 100 triệu đồng/m2 thì nay lên tới 300 triệu đồng/m2. Với tỷ lệ cho vay 50% giá trị tài sản thì khi giá bất động sản xuống, ai sẽ chịu rủi ro? Nếu cứ đầu tư mạnh vào bất động sản để đẩy giá lên và không bán được, thì chỉ cần dừng lại một dòng thanh khoản sẽ có rất nhiều khó khăn. Các ngân hàng cần lường trước những điều này để đánh giá đúng những rủi ro có thể xảy ra cho chính mình.
Hiện tại, NHNN đang điều hành chính sách tiền tệ đối với lĩnh vực bất động sản rất linh hoạt. Chưa có một văn bản nào chỉ đạo siết tín dụng bất động sản, hay cũng chưa có một nội dung nào liên quan đến chỉ đạo đối với việc không cho vay lĩnh vực bất động sản. Tuy nhiên, đối với những lĩnh vực rủi ro cao trong hoạt động kinh doanh bất động sản và chứng khoán, ngành ngân hàng cũng có ban hành nhiều văn bản cảnh báo để kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào những lĩnh vực này.
Để tránh rủi ro và đảm bảo an toàn hoạt động, theo tôi, các TCTD cũng nên rà soát lại các hoạt động cho vay này. Bởi, trong trường hợp thị trường bất động sản đóng băng sẽ có ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển chung, vì ngành này có liên quan đến rất nhiều ngành nghề trong đó có ngân hàng.
Tuy nhiên, cần phải có lộ trình và cách nhìn nhận hết sức đúng đắn, đồng thời ngành ngân hàng cũng phải có các giải pháp cho phù hợp chứ không nên như giai đoạn năm 2009-2010. Do vậy, ngân hàng nào thấy rằng việc đầu tư vào bất động sản lớn rồi thì cần rà soát lại để điều chỉnh phù hợp với các quy định của pháp luật.
Cần xác định rõ vai trò quản lý thị trường vốn (đáng chú ý là trái phiếu doanh nghiệp và thị trường chứng khoán) và thị trường tiền tệ. Điều này sẽ tránh được tình trạng khi thị trường vốn có vấn đề thì tất cả áp lực lại đổ sang thị trường tiền tệ như thời gian qua.
Thực tế, ngành ngân hàng không có chức năng quản lý thị trường vốn nhưng những biến động trên thị trường này lại có ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động ngân hàng. Ví như cơ chế chính sách cho trái phiếu doanh nghiệp không phải do ngành ngân hàng ban hành nhưng sẽ ảnh hưởng đến các ngân hàng khi họ thực hiện nghiệp vụ phát hành trái phiếu, bảo lãnh phát hành, quản lý tài sản bảo đảm…
Theo quy định, doanh nghiệp đã niêm yết rồi thì 6 tháng phải báo cáo tài chính một lần. Vậy tại sao doanh nghiệp lỗ 6 tháng liên tục mà thị trường chứng khoán vẫn “tím trần”, điều này đặt câu hỏi trách nhiệm thuộc về ai, liệu đã có những cảnh báo cho nhà đầu tư hay chưa. Vậy khi thông tin không đầy đủ và không chính xác, ai sẽ là người chịu trách nhiệm? Cần nhìn rõ và nhìn thẳng vào sự thật để có giải pháp thỏa đáng.
Trong nhiều năm nay, thị trường vốn hoạt động từng bước phát triển song chưa thực sự ổn định dẫn đến tình trạng như hiện nay. Việc huy động và phát hành trái phiếu khó khăn, thị trường chứng khoán chưa ổn định dẫn đến các doanh nghiệp khó khăn huy động vốn để phát triển sản xuất kinh doanh, trách nhiệm cung cấp vốn cho nền kinh tế lại đổ sang vai ngành ngân hàng.
Tổng Hợp