Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) được đưa ra thảo luận tại hội trường. Theo dự thảo, doanh nghiệp bảo hiểm, tái bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ, tái bảo hiểm… không được kinh doanh bất động sản.
Hiệp Hội Bất động sản (HoREA) cho rằng, việc không cho doanh nghiệp bảo hiểm kinh doanh bất động sản là đúng nhưng nên cho phép đầu tư bất động sản.
Bởi lẽ, Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 15/01/2019 của Bộ Chính trị “Về nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác, sử dụng và phát huy các nguồn lực của nền kinh tế” đã đặt ra các mục tiêu. Trong đó, đến 2035 nguồn vốn huy động cho nền kinh tế của các doanh nghiệp bảo hiểm chiếm 20% – 30% tổng nguồn vốn đầu tư dài hạn; đến 2045 nguồn vốn huy động cho nền kinh tế của các doanh nghiệp bảo hiểm chiếm 30% – 50% tổng nguồn vốn đầu tư dài hạn và quyết định nhiệm vụ, giải pháp “Hoàn thiện các quy định pháp luật về lĩnh vực bảo hiểm, khuyến khích các doanh nghiệp bảo hiểm đầu tư trở lại nền kinh tế”.
“Do vậy, điểm a và điểm b khoản 3 Điều 150 “Dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi)” quy định doanh nghiệp bảo hiểm “không được phép đầu tư bất động sản” là chưa phù hợp với chủ trương của Nghị quyết 39-NQ/TW của Bộ Chính trị”, HoREA nhấn mạnh.
Để hài hoà, HoREA nhận thấy rất cần thiết cho phép doanh nghiệp bảo hiểm dùng vốn nhàn rỗi từ dự phòng nghiệp vụ để đầu tư tài chính, đầu tư vốn vào một số lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực bất động sản (nhưng không được thực hiện hoạt động kinh doanh bất động sản). HoREA cũng cho rằng, việc cho phép doanh nghiệp bảo hiểm dùng vốn nhàn rỗi từ dự phòng nghiệp vụ để đầu tư tài chính, đầu tư vốn vào lĩnh vực bất động sản vẫn đảm bảo phù hợp với quy định không cho phép doanh nghiệp bảo hiểm được sử dụng vốn nhàn rỗi của mình để kinh doanh bất động sản.
Tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khoá XV, Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) được đưa ra thảo luận tại hội trường. Theo dự thảo, doanh nghiệp bảo hiểm, tái bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ, tái bảo hiểm… không được kinh doanh bất động sản.
Tuy nhiên, các trường hợp loại trừ gồm: mua để sử dụng làm trụ sở kinh doanh, địa điểm làm việc hoặc cơ sở kho tàng phục vụ trực tiếp cho các hoạt động nghiệp vụ; cho thuê trụ sở kinh doanh chưa sử dụng hết thuộc quyền sở hữu hoặc sử dụng; nắm giữ bất động sản do xử lý trái phiếu có bảo đảm bằng bất động sản, do đối trừ công nợ phải thu bằng bất động sản trong thời hạn 3 năm kể từ ngày nắm giữ.
Tuy nhiên, trong phiên thảo luận, có đại biểu cho rằng, việc cho phép doanh nghiệp, chi nhánh công ty bảo hiểm, được cho thuê bất động sản dư thừa sẽ rất dễ lách luật. Nếu đã cấm như dự thảo luật, cần đưa ra định mức sử dụng bất động sản, nhằm hạn chế khả năng doanh nghiệp lách luật.
Về vấn đề này, ông Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế, cho biết, dự thảo luật hiện giao Chính phủ quy định chi tiết nguyên tắc, trong đó gồm tỷ lệ sử dụng bất động sản của doanh nghiệp bảo hiểm để tránh tình trạng lách luật.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng giải thích thêm, Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2000 cho phép doanh nghiệp bảo hiểm kinh doanh bất động sản. Tuy nhiên, theo quy định của Luật Kinh doanh bất động sản năm 2014, tổ chức, cá nhân kinh doanh bất động sản phải thành lập doanh nghiệp hoặc hợp tác xã. Tức là Luật này không cho phép tổ chức, cá nhân kinh doanh bất động sản trực tiếp mà phải thành lập doanh nghiệp kinh doanh về bất động sản.
Tổng Hợp