Báo cáo Quốc hội khóa XV, Chính phủ cho biết thị trường chứng khoán có nhiều phiên điều chỉnh mạnh, sau một số vụ thao túng cổ phiếu, cần phải có giải pháp kịp thời, quyết liệt để tránh rủi ro tiềm ẩn. Thách thức năm 2022, cần giải pháp kịp thời sau một số vụ việc thao túng giá cổ phiếu…
Tháng 3/2022 thị trường tài chính rúng động về việc cựu Chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết bị bắt tạm giam để điều tra, xác minh về hành vi “Thao túng thị trường chứng khoán”, “Che giấu thông tin trong hoạt động chứng khoán” xảy ra ngày 10/01/2022, gây thiệt hại nghiêm trọng cho nhà đầu tư, ảnh hưởng đến hoạt động của thị trường chứng khoán Việt Nam.
Trên thị trường trái phiếu, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước quyết định hủy 9 lô trái phiếu của nhóm Tân Hoàng Minh và bắt giam ông Đỗ Anh Dũng để điều tra về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Chính phủ cũng lưu ý, giá xăng dầu, hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng thiết yếu vẫn ở mức cao; rủi ro gián đoạn chuỗi cung ứng tiêu dùng, sản xuất từ Trung Quốc; thị trường chứng khoán biến động mạnh. Đây là các yếu tố tiềm ẩn rủi ro đến phục hồi tăng trưởng, ổn định kinh tế vĩ mô, đời sống của người nghèo, người thu nhập thấp.
Cũng theo Chính phủ, nguy cơ nợ xấu, những tồn tại, bất cập của thị trường tài chính, thị trường vốn là vấn đề cần tiếp tục được quan tâm, theo dõi sát sao để có thể xử lý kịp thời.
Đặc biệt, thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp có những phiên điều chỉnh mạnh trong tháng 4, một số vụ việc thao túng giá cổ phiếu tác động tiêu cực đến thị trường, tâm lý nhà đầu tư; tiềm ẩn rủi ro đối với tăng trưởng và thị trường tài chính nếu không có giải pháp kịp thời, quyết liệt.
Báo cáo kết quả thực hiện tình hình kinh tế xã hội (KTXH) năm 2021 – 2022 được gửi Quốc hội ngày 20/5 do Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng ký, thừa ủy quyền Thủ tướng. Theo Chính phủ, việc khôi phục lại tình trạng đứt gãy một số chuỗi sản xuất, cung ứng, lao động đã có bước chuyển biến tích cực nhưng tiến độ còn chậm.
Thị trường tài chính, bất động sản, chứng khoán có thời điểm tăng nóng. Tỷ lệ nợ xấu nội bảng tiếp tục được kiểm soát dưới mức 2%, tuy nhiên, tiềm ẩn nguy cơ nợ xấu có thể tiếp tục tăng trong bối cảnh đại dịch Covid-19 và tình hình chính trị, kinh tế thế giới còn diễn biến phức tạp. Tại thời điểm 31/12/2021, tỷ lệ nợ xấu nội bảng của hệ thống các tổ chức tín dụng là 1,49%. Tỷ lệ nợ xấu nội bảng, nợ bán cho VAMC chưa xử lý và nợ tiềm ẩn trở thành nợ xấu khoảng 2,88%. Tuy nhiên, đánh giá một cách thận trọng, nếu tính toàn bộ dư nợ của khách hàng được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi theo Thông tư số 01/2020/TT-NHNN có nguy cơ chuyển thành nợ xấu thì con số này khoảng 6,31%.
Đánh giá về kinh tế năm 2022, Bộ trưởng Dũng thừa nhận, ổn định kinh tế vĩ mô, các cân đối lớn tiềm ẩn nhiều rủi ro. Giá dầu tăng cao từ cuối tháng 2 tác động dây chuyền lên giá cước vận tải, chi phí sản xuất, logisitics, giá cả hàng hóa, nguyên vật liệu…, trong khi công tác điều hành giá xăng dầu còn khó khăn.
Chỉ số CPI tháng 4 tăng 2,09% so với cuối năm 2021, gần gấp 2 lần cùng kỳ các năm 2018-2021, tạo áp lực lớn lên điều hành ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát cả năm 2022, làm giảm hiệu quả các chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp.
Giá dầu tăng cao sẽ tác động tiêu cực đến nhiều chỉ tiêu kinh tế vĩ mô năm 2022 và 2023. Do vậy, yêu cầu cần điều hành linh hoạt, kịp thời giá xăng dầu trong nước đồng thời bảo đảm nguồn cung trong thời gian tới.
Tổng Hợp