Trên thị trường thế giới, giá dầu thô giảm mạnh trong phiên giao dịch sáng nay (19/5) sau khi dữ liệu cho thấy các nhà máy lọc dầu của Mỹ đã tăng sản lượng và thị trường Phố Wall giảm điểm.
Giá dầu ngày 19/5 lao dốc trong bối cảnh thị trường dầu thô ghi nhận loạt thông tin tích cực về nguồn cung, trong đó có cả việc Mỹ đang xem xét việc gỡ bỏ lệnh cấm vận dầu đối với Venezuela.
Sự “bế tắc” của EU trong việc áp lệnh cấm vận dầu thô Nga cũng làm giảm đáng kể áp lực nguồn cung trên thị trường. Giá dầu hôm nay giảm còn do đồng USD lấy lại đà phục hồi mạnh nhờ kỳ vọng Fed sẽ tiếp tục tăng lãi suất thời gian tới.
Ở một diễn biến khác, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen ngày 18/5 cho biết Liên minh châu Âu (EU) dự định huy động khoản đầu tư trị giá lên tới 300 tỷ euro (315,3 tỷ USD) vào năm 2030 để chấm dứt sự phụ thuộc vào dầu khí của Nga.
Phát biểu trước báo giới, bà Von der Leyen cho hay các khoản đầu tư trên sẽ bao gồm 10 tỷ euro cho hệ thống cơ sở hạ tầng khí đốt, 2 tỷ euro cho dầu mỏ và phần còn lại dành cho năng lượng sạch. Bên cạnh đó, EU cũng đang đề xuất các mục tiêu ràng buộc pháp lý cao hơn đối với năng lượng tái tạo và tiết kiệm năng lượng vào năm 2030.
Theo bà Von der Leyen, chương trình RePowerEU sẽ giúp EU tiết kiệm nhiều năng lượng hơn để đẩy nhanh việc giảm dần nhiên liệu hóa thạch và quan trọng nhất là để kích hoạt các khoản đầu tư trên quy mô mới.
Hiện EU cũng đang đàm phán với Hungary về gói hỗ trợ tài chính để Budapest từ bỏ việc phủ quyết lệnh cấm vận của khối này đối với dầu mỏ của Nga.
Trước đó, thị trường dầu thô tiếp tục thể hiện sự thất thường khi giá dầu đảo chiều tăng trở lại trong phiên sáng qua, bất chấp việc biểu đồ kĩ thuật bắt đầu xuất hiện một số dấu hiệu “bearish (đe dọa)” sau phiên giảm hôm trước đó nữa. Giá dầu WTI mạnh hơn khá nhiều và nới rộng khoảng cách cao hơn so với giá dầu Brent, điều chưa từng xảy ra trong 12 năm qua. Tác động gián tiếp từ việc giá xăng RBOB của Mỹ tăng lên mức cao nhất mọi thời đại khiến giá dầu WTI nhận được rất nhiều lực mua trong vài phiên gần đây, khi tăng thường tăng mạnh hơn Brent và giảm thì sẽ giảm ít hơn.
Thị trường có vẻ đang bị tác động bởi dự báo tồn kho dầu thô tại Mỹ giảm mạnh trong báo cáo sáng qua của API. Trong bối cảnh thị trường đang ở trạng thái bão hòa với các thông tin, số liệu tồn kho dầu sẽ đóng vai trò quan trọng hơn so với bình thường. Vì thế, thị trường sẽ rất chờ đợi báo cáo vào lúc tối của EIA, bởi đây mới được coi là số liệu chính thức và đáng tin cậy nhất về tồn kho dầu tại Mỹ. Tồn kho tăng hay giảm gần như chắc chắn sẽ quyết định xu hướng của giá dầu trong phiên tối. Và thực tế giá dầu đã giảm phiên sáng nay khi dữ liệu cho thấy các nhà máy lọc dầu của Mỹ đã tăng sản lượng.
Trong nước, một số doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu cho hay, trong kỳ điều hành tới (ngày 21/5), giá xăng trong nước có khả năng vượt mức 30.000 đồng/lít tại vùng 1 và vùng 2 có thể tiến sát mốc 31.000 đồng/lít, nếu giá xăng dầu thành phẩm thế giới tiếp tục tăng lên.
Theo quy định, ngày 21/5 tới đây sẽ là kỳ điều chỉnh tiếp theo của giá xăng dầu. Nhiều dự báo cho thấy, trong kỳ điều chỉnh tới, giá xăng có thể còn tiếp tục tăng. Bởi theo các doanh nghiệp, hiện với giá cơ sở trong nước, doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đang lỗ khoảng 300-600 đồng với mỗi lít xăng, còn dầu lỗ khoảng 400-700 đồng. Song từ này tới kỳ điều hành còn khoảng 2 ngày nữa và với giá xăng dầu thế giới biến động mạnh như hiện nay, việc điều chirnh giá xăng dầu trong nước vẫn rất khó dự báo.
Tổng Hợp