Không chỉ hàng loạt “cò gãy cánh”, trong cơn sốt đất ở những địa phương miền biển, miền núi, nhiều chủ đất không những không đạt được giấc mộng đổi đời mà còn đối diện nợ nần chồng chất vì bị lừa hoặc lấy tiền cọc để xây nhà trong khi người mua thì bóng chim, tăm cá.
Tại các địa phương trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng như TP Bảo Lộc, huyện Bảo Lâm, huyện Lâm Hà, huyện Lạc Dương…, sau cơn sốt đất, nhiều người đã mua bán, chuyển nhượng qua nhiều đời chủ, đẩy giá đất tăng chóng mặt dù vị trí nằm sâu trong rừng, đồi núi cao… Thế nhưng, sau khi vi phạm bị phát hiện, những khu đất này trở thành những bãi đất hoang tàn. Hệ lụy phân lô bán nền hiện rõ trên từng bãi đất, căn nhà hoang hóa.
Đi dọc Quốc lộ 20, đoạn qua xã Lộc An, huyện Bảo Lâm, người ta không khó chứng kiến những khu đất bạt ngàn nhưng lại gần như bị bỏ hoang. Những khu đất này trước đây được thu gom để “hô biến” thành các dự án phân lô bán nền được quảng cáo vô cùng hấp dẫn.
“Ở đây, nhiều người không có đất canh tác, phải bỏ xứ đi làm thuê, làm mướn. Trong khi đó, hàng chục, hàng trăm hecta đất bị bỏ hoang thế này thì thật quá lãng phí” – ông Nguyễn Văn Trung – ngụ xã Lộc An, huyện Bảo Lâm – băn khoăn. Ông mong các cơ quan chức năng sớm có giải pháp nhằm khai phóng nguồn lực đất đai để địa phương có thêm điều kiện phát triển.
Còn ở xã Cư Suê, huyện Cư M’gar, tỉnh Đắk Lắk, ngoài việc nhiều chủ đất bị lừa thì hệ lụy để lại sau cơn sốt đất chính là đất đai bị bỏ hoang bởi người mua chỉ quây lại rồi để đó. Hay ở Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi, UBND huyện cho hay tình trạng chuyển nhượng đất nông nghiệp diễn ra ồ ạt và bị “thổi” lên quá cao dẫn đến nhiều hệ lụy. Đất nông nghiệp ngày càng ít, trong khi địa phương là huyện đảo nên cần sự tự lực trong canh tác rất lớn.
Tại thôn Hà Tây, xã Triệu An, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị, trong thời gian diễn ra sốt đất, nhiều hộ dân được những người môi giới cọc từ 100-200 triệu đồng để mua đất nhưng rồi lại “thả nổi”.
“Một số hộ ở thôn Hà Tây sau khi nhận tiền đặt cọc đã mua vật liệu xây dựng, thuê thợ làm nhà ở. Tuy nhiên, đến nay đã vài tháng trôi qua, người mua vẫn chưa chồng đủ tiền nên bà con đang lâm cảnh tiến thoái lưỡng nan. Móng nhà đã xây rồi nhưng đất vẫn chưa bán được nên họ đành phải vay mượn thêm để hoàn thành công trình” – ông Phan Bội Châu, Phó Ban Công tác mặt trận thôn Hà Tây, cho biết. Ông dự đoán sẽ có nhiều người phải bán nhà để trả nợ.
Hậu quả nặng nề do sốt đất gây ra đối với các chủ đất còn xảy ra ở xã Cư Suê, huyện Cư M’gar, tỉnh Đắk Lắk. Đây là một trong những khu vực sốt đất bậc nhất tỉnh Đắk Lắk thời gian qua do có thông tin xã này sẽ sáp nhập về TP Buôn Ma Thuột. Trong đó, một số đối tượng sau khi đặt cọc, tự nhận tách thửa đất, sang tên rồi tách toàn bộ đất thổ cư vào sổ của mình hoặc cầm giấy tờ đất đai và trốn mất.
Ông Y Hoa Niê – trưởng buôn Sút M’đưng, xã Cư Suê – cho biết trong buôn có hơn 120 hộ đã bán đất, trong đó có 4 hộ bị lừa lấy hết đất thổ cư. Nguyên nhân là do thiếu hiểu biết, người dân không kiểm tra kỹ hợp đồng khi công chứng nên bị người mua lừa. Đa số các hộ bán đất đều có hoàn cảnh khó khăn. “Giờ họ chỉ mong các cơ quan chức năng vào cuộc “giải cứu” mà thôi” – ông Y Hoa Niê bày tỏ.
Cũng ở Quảng Ngãi, những vùng ven biển xưa nay được xem là nơi “chó ăn đá, gà ăn muối” như biển Châu Tân (xã Bình Châu, huyện Bình Sơn) hay đất ở xã Tịnh Kỳ, Tịnh Khê (TP Quảng Ngãi)… cũng bị đẩy giá lên khá cao. Đơn cử như ở vùng biển Châu Tân khá hẻo lánh nhưng giá đất từ 30-40 triệu đồng/m2; còn ở vùng ven biển Tịnh Kỳ, Tịnh Khê, giá đất cũng nhảy vọt, trung bình 20-30 triệu đồng/m2. Thế nhưng, cũng như ở Lý Sơn, hễ có người rao bán là chỉ vài ngày sau đất đã đổi chủ, khiến ai cũng ngỡ ngàng.
Tại Bình Thuận, cơn “sốt” đất ven biển vẫn đang diễn ra, bất chấp những khuyến cáo trước đó. Ghi nhận cho thấy đất nông nghiệp dọc các xã ven biển như Tiến Thành (TP Phan Thiết), Hòa Thắng, Hồng Thái (huyện Bắc Bình)… đang được giới đầu tư săn đón. “Đất nơi này trước đây chưa đến 100.000 đồng/m2 thì nay đã vài ba trăm ngàn đồng. Nhiều khu đất nông nghiệp nằm thật sâu, đường vào không dễ nhưng khi rao bán là có người tới đặt cọc ngay” – ông Nguyễn Văn Tư (ngụ xã Hồng Thái, huyện Bặc Bình) nói. Theo nhận xét của ông Tư, người đặt cọc đa phần là nhân viên môi giới. “Họ làm ăn hay lắm, chỉ vài ngày sau đặt cọc là dẫn người vào xem và “chốt” ngay, khiến người bán không tin đó là sự thật” – ông Tư kể.
Tổng Hợp