Chính sách điều tiết thu ngân sách Nhà nước từ thuế, phí và các khoản thu điều tiết khác đối với đất đai, BĐS đã được đề cập nhiều lần, nhiều năm qua và tại thời điểm này lại đang nóng lên. Thu thuế từ chuyển nhượng bất động sản ghi nhận tăng trong 3 năm nay nhưng trên thực tế vẫn thất thu lớn…
Thu thuế từ chuyển nhượng BĐS ghi nhận tăng trong ba năm nay nhưng trên thực tế vẫn được cho là thất thu lớn. Theo số liệu từ ngành thuế, thu từ hoạt động chuyển nhượng BĐS tăng từ mức 15.000 tỷ năm 2019 lên 16.800 tỷ đồng trong năm 2020 và đạt 21.700 tỷ đồng năm 2021. Riêng trong 3 tháng đầu năm nay, khoản thu này là 8.280 tỷ đồng.
Các chính sách liên quan đến đất đai chưa đồng bộ nên việc áp thuế đất sát với giá thị trường đang gặp nhiều khó khăn. Theo Phó Cục trưởng Cục Thuế TPHCM Thái Minh Giao, việc xác định giá giao dịch mua bán nhà, đất thực tế trên thị trường vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể để làm căn cứ ấn định Thuế Thu nhập cá nhân, lệ phí trước bạ (nếu giá kê khai, giá theo hợp đồng công chứng thấp hơn giá giao dịch thực tế). Vấn đề này gây rất nhiều khó khăn cho cơ quan thuế, cán bộ thuế trong việc xác định được giá giao dịch thực tế của từng hồ sơ.
Cục Thuế TPHCM đã báo cáo UBND TPHCM để chỉ đạo các sở, ngành có liên quan cùng phối hợp thực hiện triển khai trong công tác đấu tranh chống thất thu, tăng cường quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh, chuyển nhượng BĐS. Đồng thời có nhiều biện pháp nhằm chống thất thu trong hoạt động chuyển nhượng BĐS, đặc biệt, phối hợp với cơ quan Cảnh sát điều tra xử lý các trường hợp cố tình thực hiện hành vi kê khai sai gây sai lệch số thuế phải nộp, gây thất thu thuế cho ngân sách.
Trong khi đó theo ông Viên Viết Hùng – Phó Cục trưởng Cục Thuế Hà Nội, khó nhất hiện nay là Luật Đất đai quy định Bảng giá đất ổn định 5 năm trong khi thực tế giá thị trường BĐS lại biến động liên tục. Vì vậy, giá quy định không sát với giá của thị trường BĐS. Hiện nay cũng chưa có cơ quan nào xây dựng cơ sở dữ liệu về giá giao dịch trên thị trường BĐS.
Được biết, Tổng cục Thuế đã yêu cầu các đơn vị thuế tiếp tục xây dựng cơ sở dữ liệu về giá đã giao dịch và kê khai thuế. Các cục thuế cần đẩy mạnh rà soát, đấu tranh với các tổ chức cá nhân, đặc biệt là các doanh nghiệp kinh doanh BĐS. Các đơn vị tự điều chỉnh giá kê khai tính thuế sát với giá thị trường chi tiết đến từng con đường, tuyến phố trong dự án.
Theo các chuyên gia trong ngành, thuế sử dụng đất và tiền thuê đất là hai nguồn thu bền vững nhất của Nhà nước thì hiện nay nguồn thu này còn quá nhỏ, không hợp lý, không động viên được hiệu quả sử dụng đất, không tạo công bằng về sử dụng đất, hạn chế nguồn thu cho phát triển hạ tầng và dịch vụ công cộng.
Ở TPHCM, hoạt động chuyển nhượng BĐS đang diễn ra sôi động. 4 tháng đầu năm, tình hình thu ngân sách từ đất trên địa bàn TPHCM đạt hơn 12.600 tỷ đồng, chiếm 10,5% tổng thu ngân sách toàn thành phố.
Tuy nhiên, Phó Cục trưởng Cục thuế TPHCM Thái Minh Giao cho hay, thực tế có nhiều trường hợp người nộp thuế khi chuyển nhượng BĐS kê khai giá mua bán với cơ quan thuế thấp hơn so với giá chuyển nhượng thực tế nhằm trốn tránh nghĩa vụ thuế, chưa tự giác kê khai đúng giá thực tế giao dịch. Người nộp thuế kê khai nộp thuế thu nhập cá nhân, lệ phí trước bạ theo giá trên hợp đồng chuyển nhượng nhà, đất thấp hơn giá giao dịch thực tế để giảm số thuế phải nộp, gây thất thu ngân sách.
Trao đổi với báo chí, Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp nhỏ và vừa, hộ kinh doanh cá nhân (Tổng cục Thuế) Lý Thị Hoài Hương cho biết, việc quản lý hoạt động chuyển nhượng BĐS hiện nay gặp nhiều khó khăn, do liên quan đến rất nhiều Luật cũng như nhiều cơ quan ban ngành và ý thức tự giác thực hiện nghĩa vụ thuế của người dân chưa cao.
Theo bà Hương, cơ quan quản lý thuế đang gặp nhiều khó khăn trong việc quản lý hoạt động chuyển nhượng BĐS bởi theo quy định pháp luật về thuế, người nộp thuế kê khai, nộp thuế không đúng với giá thực tế chuyển nhượng thì cơ quan thuế có quyền ấn định thuế. Tuy nhiên, cơ quan thuế không có chức năng điều tra nên việc thu thập thông tin làm căn cứ ấn định thuế gặp nhiều khó khăn.
Tổng Hợp