uần qua, VN-Index giảm 146,4 điểm (1,02%) xuống 1.182,7 điểm. Tính theo điểm số, đây là tuần chỉ số chính giảm điểm mạnh nhất lịch sử. Cơ hội nào cho nhà đầu tư?
Cuối tuần qua, Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) ra loạt chỉ đạo để ổn định thị trường trong ngắn hạn. UBCKNN đánh giá, thị trường chứng khoán trong nước đang trải qua giai đoạn điều chỉnh mạnh, trước tác động tổng hòa từ yếu tố tâm lý trong nước và đặc biệt các rủi ro từ thị trường quốc tế như: Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tăng lãi suất mạnh, căng thẳng địa chính trị chưa được giải quyết, áp lực lạm phát…
Lãnh đạo UBCKNN cho biết, cơ quan quản lý đang đặc biệt ưu tiên các giải pháp ngắn hạn để hỗ trợ thị trường ổn định trở lại, trấn an tâm lý nhà đầu tư. Trong các giải pháp ổn định thị trường của UBCKNN, đáng chú ý có việc yêu cầu các Sở Giao dịch Chứng khoán thực hiện công bố thông tin về giao dịch tự doanh của công ty chứng khoán. Trước đó, từ ngày 1/3/2022, HoSE đã ngừng cung cấp số liệu này.
UBCKNN cũng chỉ đạo Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam điều chỉnh giá thanh toán cuối cùng của hợp đồng tương lai chỉ số VN30 (là giá trung bình 30 phút cuối cùng của ngày đáo hạn thay vì lấy giá đóng cửa phiên ATC) để tránh những tác động đến thị trường cơ sở. Doanh nghiệp niêm yết được yêu cầu công bố thông tin khi mã chứng khoán của mình có dấu hiệu tăng, giảm giá trần, sàn 5 – 10 phiên. Ông Nguyễn Thanh Kỳ, Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh chứng khoán Việt Nam đề xuất sửa đổi cơ chế, chính sách phù hợp hơn với bối cảnh hiện nay, giúp thị trường vận hành tốt hơn, tránh tình trạng khi xảy ra một số vụ tiêu cực thì co lại, hoặc cấm đoán, làm cho thị trường bị méo mó.
3/5 phiên tuần qua, chứng khoán Việt giữ vị trí giảm mạnh nhất thế giới. Tâm lý nhà đầu tư khó tìm được điểm bấu víu khi chứng khoán trong nước điều chỉnh kéo dài, thị trường thế giới cũng biến động mạnh theo chiều hướng tiêu cực. Nhà đầu tư cá nhân trong nước bán ròng mạnh, trong khi tổ chức, khối ngoại tích cực gom hàng.
Thời điểm này, các yếu tố về giá trị doanh nghiệp rất khó hỗ trợ cho giá cổ phiếu. Tâm lý cực đoan đã đẩy lên đỉnh điểm, song không phải nguyên nhân chính khiến thị trường giảm mạnh. Điều này thể hiện rõ khi áp lực bán trong phiên sáng không mạnh, tuy nhiên sang đến phiên chiều áp lực bán tăng rất mạnh. Nhà đầu tư đang chịu nhiều áp lực, họ không muốn nhưng buộc phải bán vì không đợi được thị trường hồi phục để sắp xếp lại danh mục. Do đó, thị trường chỉ ổn định trở lại khi áp lực margin giảm đi.
Thị trường cũng từng chứng kiến nhịp giảm tương tự vào năm 2011, tuy nhiên bối cảnh vĩ mô khi đó rất khó khăn. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) lên đến 22%, lãi suất liên ngân hàng lên đến 30%. Ngược lại, tình hình vĩ mô của nền kinh tế ở thời điểm hiện tại rất ổn định cho thấy thị trường đang xảy ra tình trạng bán quá mức.
Theo số liệu từ Công ty phân tích dữ liệu FiinGroup, tuần qua, nhà đầu tư cá nhân trong nước là bên duy nhất bán ròng, trong khi tổ chức trong nước và khối ngoại là bên mua ròng. Khối ngoại bền bỉ mua ròng 4/5 tuần gần đây.
Nhóm này mua ròng 1.682 tỷ đồng trên HoSE, tập trung vào DGC, CTG, NLG, VHM, FUEVFVND. Như vậy, vốn ngoại tiếp tục mua ròng mạnh VHM, xuất hiện yếu tố mới là CTG và chứng chỉ quỹ FUEVFVND. Ngược lại, họ bán ròng tập trung vào HPG, NVL, VCB, E1VFVN30, DXG. Nhà đầu tư cá nhân: bán ròng 3.488 tỷ đồng trên HOSE, tập trung vào FPT, DGC, MWG, VHM, MBB. Hành vi giao dịch đối lập với nhóm tổ chức. Nhóm này mua ròng 1.804 tỷ đồng, tập trung vào FPT, MWG, MBB, VCB, VPB.
Tổng Hợp