Từ đầu năm đến nay, hàng ngàn bộ hồ sơ chuyển nhượng nhà đất đã bị cơ quan thuế trả lại để xác định theo giá thị trường.
Thuế thu nhập cá nhân khi mua bán bất động sản là 2% và lệ phí trước bạ là 0,5% trên giá chuyển nhượng. Ông Phát nhận định, hiện nay việc nộp thuế khi chuyển bất động sản chưa tốt, một số người ghi giá trên hợp đồng thấp hơn giá thực tế, làm thất thu ngân sách. Tuy nhiên, với quy định hiện hành, việc xác định giá thị trường khi mua bán nhà đất còn bất cập và có thể phát sinh tiêu cực. Nguyên nhân, việc áp giá để tính thuế khi chuyển nhượng bất động sản đang được áp dụng một cách cảm tính từ cán bộ. Cơ sở nào, khung giá nào để xác định giá chuyển nhượng người dân đang ghi trên hợp đồng thấp hơn giá trị chuyển nhượng thực tế? Trong khi đó, việc thỏa thuận giá mua giá bán là quyền của các đương sự trong quan hệ dân sự.
Để bất cập này không còn xảy ra, không tạo ra sự phiền hà cho người dân, Nhà nước cần ban hành các quy định cụ thể hơn trong việc xác định giá thị trường, cần có đơn vị đứng ra chịu trách nhiệm về việc thu thập dữ liệu giá một cách khách quan và cập nhật liên tục. Ngoài ra, cần tạo sự liên kết dữ liệu, đặc biệt là từ ngân hàng đối với các hồ sơ vay vốn để mua bất động sản.
Theo ông Thân Thiết Sơn, Phó chi cục Thuế TP Thủ Đức, với quy định mới của Bộ Tài chính và Tổng cục Thuế, cán bộ thuế phải xác định giá phù hợp và thuyết phục người dân khai đúng nên khối lượng công việc rất lớn. Hiện tại, để tính đúng giá trị kê khai trong hợp đồng mua bán bất động sản, cơ quan thuế dựa vào 3 nguồn dữ liệu chính, gồm lịch sử giao dịch được kê khai trong thời gian gần nhất; một số hồ sơ đã kê khai và nộp tại cơ quan thuế của các bất động sản vị trí tương đồng; tra cứu giá phê duyệt của UBND TPHCM với các dự án hoặc giá đền bù thực tế của Nhà nước, giá trên các trang giao dịch…
Ông Sơn khẳng định, với hồ sơ không phải xem xét điều chỉnh giá, cơ quan này giải quyết trong 5 ngày. Tuy nhiên, nếu mức chuyển nhượng với giá thấp hơn giá giao dịch thực tế, cơ quan thuế phải gửi giấy mời người dân lên xem xét lại. Trong 15 ngày, người dân không trả lời, cơ quan thuế mới trả hồ sơ cho văn phòng đăng ký đất đai đề nghị người nộp thuế bổ sung. Dù phân công 15 cán bộ chuyên xử lý hồ sơ nhà đất, Chi cục Thuế TP Thủ Đức vẫn gặp tình trạng quá tải thủ tục nhà đất ở địa bàn.
Trong khi đó, ông Thái Minh Giao, Phó Cục Thuế TPHCM, cho biết, dù thu thêm được tiền nhưng cơ quan thuế gặp khó khăn trong liên lạc người nộp thuế khiến việc giải quyết hồ sơ bị kéo dài hơn so với trước đây. Cụ thể, nhiều hồ sơ chuyển nhượng bất động sản được thực hiện thông qua đơn vị cung cấp dịch vụ với thông tin liên lạc không phải của người nộp dẫn đến chậm giải quyết, phải bổ sung hồ sơ.
Cục Thuế tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cũng trả lại hơn 1.200 hồ sơ chuyển nhượng bất động sản vì có dấu hiệu khai thấp hơn nhiều so với giá thực tế. Trong đó, có 155 hồ sơ kê khai, điều chỉnh bổ sung và nộp lại cơ quan thuế. Đáng chú ý, những hồ sơ nộp lại, khai lại giá trị chuyển nhượng đất tăng 2-5 lần so với khai lần đầu. Cá biệt có hồ sơ tăng đến 20 lần, như trường hợp chuyển nhượng đất tại huyện Đất Đỏ từ 500 triệu đồng khai ban đầu đã vọt lên 10 tỷ đồng. Ngoài ra, có những hồ sơ ban đầu khai 400 triệu đồng nhưng sau đó khai lại lên 3,5 tỷ đồng; khai 1,5 tỷ kê khai lại thành 9,3 tỷ đồng… Nhờ việc siết khai bất động sản hai giá, số tiền thuế thu được tăng thêm đối với hoạt động kinh doanh, chuyển nhượng bất động sản là hơn 3 tỷ đồng.
Không chỉ ở TPHCM, tình trạng người dân bị yêu cầu khai lại giá, làm khó dễ khi chuyển nhượng bất động sản cũng diễn ra ở Long An, Bà Rịa-Vũng Tàu, Đồng Nai… Ông Nguyễn Văn Thủy, Cục trưởng Cục Thuế tỉnh Long An, cho biết, từ đầu năm đến nay, các chi cục thuế trực thuộc đã trả lại và yêu cầu nâng giá đúng với thực tế giao dịch đối với hàng trăm hồ sơ nhà đất. Trong đó, có 473 hồ sơ đã được người nộp thuế tự điều chỉnh giá giao dịch phù hợp, tăng thu thuế nộp ngân sách được hơn 2,1 tỷ đồng.
Theo thống kê, chỉ riêng trong quý I/2022, Cục Thuế TPHCM đã đề nghị điều chỉnh gần 10.900 trong tổng số hơn 48.300 hồ sơ, có nghĩa cứ 5 hồ sơ nộp lên có một bộ bị trả về để sửa giá. Số tiền thuế thu thêm được là 147 tỷ đồng, bằng 83% của cả năm 2021. Trong đó, riêng Chi cục thuế TP Thủ Đức đã trả gần 2.000 trong tổng số hơn 10.700 hồ sơ, thu thêm hơn 92 tỷ đồng.
Tổng Hợp