“Dead line” công bố BCTC quý 1/2022 đã kết thúc, phần lớn các nhà băng cũng đã hoàn thành công bố kết quả kinh doanh quý đầu năm 2022.
Với tỷ lệ bao phủ vaccine tới hơn 90% cùng với việc thực thi nhiều biện pháp vừa cứng rắn, vừa linh hoạt, Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia kiểm soát đại dịch tốt nhất thế giới. Nhờ đó, các hoạt động kinh tế đã được nối lại gần như hoàn toàn, giúp tăng trưởng GDP quý 1 ghi nhận mức cao nhất trong 3 năm trở lại đây, với 5,03%.
Các hoạt động kinh tế phục hồi cũng được thể hiện rõ khi nhu cầu tín dụng tăng trưởng tăng mạnh ngay từ đầu năm. Theo báo cáo từ Tổng cục Thống kê, tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế đến ngày 21/3 đã đạt mức cao kỷ lục 4,03%, tăng vọt so với mức tăng 1,47% cùng thời điểm năm 2021 và cao hơn rất nhiều so với mức tăng trưởng trung bình 1,99% vào thời điểm cuối tháng 3 hàng năm trong giai đoạn thống kê từ năm 2015 tới nay.
Lợi nhuận của các nhà băng theo đó cũng được gia tăng mạnh mẽ khi tín dụng được đẩy mạnh ngay từ đầu năm.
Bức tranh lợi nhuận quý 1 khá khả quan khi tổng lợi nhuận trước thuế của 27 thành viên đạt 85.224 tỷ đồng, tăng trưởng tới 62,7% so với kết quả đạt được cùng kỳ năm trước. Trong đó, có tới 22 thành viên (tương đương 81,5%) ghi nhận lợi nhuận tăng trưởng trong kỳ qua, với nhiều thành viên ghi nhận lợi nhuận tăng trưởng bằng “lần”.
Eximbank là ngân hàng có sự bứt tốc mạnh nhất trong kỳ qua khi lợi nhuận trước thuế hợp nhất ghi nhận hơn 809 tỷ đồng, gấp tới hơn 3,77 lần cùng kỳ năm 2011. Trong đó, mảng tín dụng vẫn đóng vai trò “xương sống” khi mang về cho ngân hàng khoản thu nhập lãi thuần 1.244 tỷ đồng, gấp hơn 1,5 lần cùng kỳ và chiếm tới 74,6% tổng thu nhập hoạt động.
Các mảng kinh doanh phi tín dụng cũng ghi nhận kết quả khả quan với lãi thuần từ hoạt động kinh doanh ngoại hối đạt 153,3 tỷ, tăng trưởng 60,9%; hoạt động đầu tư chứng khoán báo lãi 126 tỷ, gấp hơn 3 lần,…
Hiện kế hoạch kinh doanh năm 2022 của Eximbank vẫn chưa được thông qua do đại hội cổ đông lần 1 bất thành. Tuy nhiên, theo kế hoạch lợi nhuận 2.500 tỷ đồng mà HĐQT dự kiến trình cổ đông, thì ngân hàng đã hoàn thành được 32% kế hoạch lợi nhuận của năm.
Một ngân hàng khác cũng ghi nhận lợi nhuận tăng vọt trong kỳ qua là VPBank với lợi nhuận trước thuế tới 11.146 tỷ đồng, gấp 2,8 lần cùng kỳ năm trước. Một phần nguyên nhân cho sự đột biến này là do ngân hàng ghi nhận khoản phí trả trước từ thỏa thuận bảo hiểm độc quyền với AIA.
Với kết quả này, vượt qua “ông lớn” Vietcombank (với lợi nhuận trước thuế 9.950 tỷ đồng, tăng trưởng 15%), VPBank đã tạm thời giữ vị trí quán quân trong bảng xếp hạng lợi nhuận toàn hệ thống quý 1.
Techcombank và MBBank lần lượt giữ vị trí thứ ba và thứ tư, với lợi nhuận ghi nhận 6.785 tỷ đồng (tăng trưởng 23%) và 5.909 tỷ đồng (tăng trưởng 29%).
Một số ngân hàng khác cũng ghi nhận kết quả kinh doanh ấn tượng như SHB đạt lợi nhuận trước thuế 3.226 tỷ đồng, tăng 94% với cùng kỳ; Sacombank đạt 2.424 tỷ đồng, tăng 70% so với cùng kỳ năm trước; SeABank đạt 1.306 tỷ đồng, tăng 87%.
Tổng Hợp