“Thị trường bất động sản Thành phố cần có sự điều chỉnh để hạn chế tình trạng lệch pha cung – cầu, khi nguồn cung các sản phẩm cao cấp ngày một tăng, trong khi các phân khúc có nhu cầu lớn là trung cấp và bình dân lại rất hạn chế”, báo cáo Sở Xây dựng TP.HCM nêu rõ.
Với nguồn cung nhỏ giọt, cộng thêm áp lực chi phí vật liệu, nhân công, lạm phát… tăng khiến giá căn hộ sơ cấp lẫn thứ cấp tiếp tục leo thang. Thống kê giá bán trung bình các căn hộ trong quý I/2022 của CBRE Việt Nam cho biết, thị trường sơ cấp đã tăng 3,9% theo quý và 7,8% theo năm, chạm mốc 2.390 USD/m2, tương đương gần 55 triệu đồng/m2. Mức giá trung bình tăng do có sự chuyển dịch cơ cấu từ bình dân, trung cấp lên cao cấp và hạng sang.
Nhiều môi giới bất động sản cho biết, thời gian qua, không chỉ các sản phẩm biệt thự, nhà liền kề, mà giá chung cư tại TP.HCM cũng tăng chóng mặt, khiến khả năng tiếp cận nhà ở của đại bộ phận người dân càng trở nên hạn chế, khi mức tăng thu nhập không theo được tốc độ tăng giá nhà. Chưa kể, việc mặt bằng giá tăng cao còn dẫn đến hiện tượng “lãi ảo” bởi giá tăng nhưng thực tế lại không bán được hàng.
Báo cáo quý I/2022 của DKRA Vietnam cho thấy, ngoại trừ phân khúc đất nền tăng nhẹ 6% lượng tiêu thụ so với quý trước và cùng kỳ năm 2021, còn phân khúc căn hộ và nhà phố, biệt thự đều sụt giảm mạnh. Cụ thể, tính cả địa bàn TP.HCM và các tỉnh giáp ranh, chưa đầy 2.600 căn hộ được tiêu thụ trong 3 tháng đầu năm, chỉ bằng 45% quý trước và bằng 59% cùng kỳ năm 2021. Thậm chí, sức hấp thụ của thị trường nhà phố, biệt thự còn giảm mạnh hơn, chỉ khoảng 430 căn, tương đương 18% quý IV/2021 và bằng 65% cùng kỳ năm ngoái.
Báo cáo mới đây của Sở Xây dựng TP.HCM cho biết, trong quý I/2022, chỉ có 5 dự án nhà ở thương mại được cơ quan này xác nhận đủ điều kiện huy động vốn bán sản phẩm nhà ở hình thành trong tương lai với tổng số 1.172 căn, giảm gần 85% so với quý liền trước và giảm 66% so với cùng kỳ năm 2021.
Nguyên nhân dẫn đến sự sụt giảm mạnh này, theo cơ quan này, là do TP.HCM có nhiều dự án đang trong quá trình thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, rà soát lại thủ tục pháp lý, thậm chí điều tra sai phạm. Điều này dẫn đến việc các sở, ngành có liên quan chậm phối hợp cho ý kiến hoặc giải quyết thủ tục pháp lý dự án, đặc biệt là các dự án có vốn nhà nước hoặc có nguồn gốc là đất do Nhà nước quản lý.
Ở khu vực vùng ven Hà Nội hay TP.HCM, mặt bằng giá chào bán mới tại một số dự án căn hộ chung cư ở mức 19-20 triệu đồng/m2, cá biệt có dự án lên tới 30 triệu đồng/m2, tương đương giá bán của nhiều dự án chung cư khu vực nội đô cách đây 2-3 năm. Đà tăng giá ở thị trường sơ cấp tạo hiệu ứng tâm lý đẩy giá căn hộ ở thị trường thứ cấp tăng mạnh, thậm chí là bất thường. Đáng chú ý, một dự án chung cư tại quận 10, TP.HCM được giao dịch với mức giá tăng gấp đôi giá bán tại thời điểm mở bán cách đây vài năm, từ 37-38 triệu đồng/m2 chưa chiết khấu lên hơn 80 triệu đồng/m2.
Ảnh hưởng từ một số vụ đấu giá đất bất thường thời gian vừa qua như ở Thủ Thiêm cùng hiệu ứng công bố đề án quy hoạch và triển khai một số dự án hạ tầng giao thông lớn như các tuyến đường cao tốc, vành đai ở Hà Nội và TP.HCM… đã đẩy giá đất tăng chóng mặt, đặc biệt là đất thổ cư, đất làng. Cuối năm 2021, Viện Kinh tế xây dựng (Bộ Xây dựng) từng dự báo, giá giao dịch bất động sản trong năm 2022 sẽ có xu hướng tăng so với năm 2021 ở tất cả loại hình bất động sản do các chi phí đầu vào như giá đất, nguyên vật liệu xây dựng… đồng loạt tăng cao, bên cạnh nhu cầu sở hữu nhà đất tăng lên khi các hoạt động sản xuất, kinh doanh, thương mại trong nước dần hồi phục.
Tổng Hợp