Có 10 ngân hàng thương mại có công ty chứng khoán để thực hiện hoạt động mua, bán cổ phiếu trên thị trường. Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước cũng cấp phép cho một số TCTD tham gia thị trường chứng khoán phái sinh theo quy định của Luật Chứng khoán.
Các doanh nghiệp bất động sản vẫn là nhóm phát hành trái phiếu doanh nghiệp lớn nhất, với 318,2 nghìn tỷ đồng, chiếm 44% tổng lượng trái phiếu doanh nghiệp phát hành và tăng 66,3% so với năm 2020.
Trong khi đó, trên thị trường sơ cấp, các ngân hàng và công ty chứng khoán (CTCK) vẫn là những nhà đầu tư lớn nhất khi mua tổng cộng 373 nghìn tỷ đồng, chiếm 52% tổng trái phiếu doanh nghiệp phát hành năm 2021. Trong đó, hai nhóm nhà đầu tư này mua 153 nghìn tỷ đồng, chiếm 48% trái phiếu bất động sản phát hành.
Như vậy, có thể thấy, với vai trò người mua chính trên thị trường, các ngân hàng thương mại đang nắm một lượng lớn trái phiếu doanh nghiệp, trong đó chiếm tỷ lệ cao là của các doanh nghiệp bất động sản.
Chia sẻ tại Hội nghị phát triển thị trường vốn an toàn, minh bạch, hiệu quả, bền vững, ông Phạm Quang Dũng Chủ tịch Vietcombank cho biết, danh mục đầu tư TPDN của ngân hàng chỉ chiếm 1 tỷ trọng rất nhỏ trong danh mục tín dụng của Vietcombank. Cụ thể, tổng tài sản ngân hàng hiện đã vượt 1,4 triệu tỷ đồng, dư nợ tín dụng đạt hơn 1 triệu tỷ đồng. Trong khi đó, dư nợ TPDN của Vietcombank tại thời điểm 31/3/2022 ở mức 11.400 tỷ đồng (khoảng 1% tổng dư nợ cho vay).
Chủ tịch Vietcombank nhấn mạnh, việc đầu tư, giao dịch TPDN của Vietcombank tuân thủ chặt chẽ các quy định của pháp luật, được quản trị với cùng chuẩn mực như hoạt động cho vay (bao gồm các khâu kiểm soát trước, trong và sau đầu tư), nhằm đảm bảo kiểm soát được dòng tiền và mục đích sử dụng vốn. Toàn bộ dư nợ TPDN của ngân hàng hiện đều được phân loại nợ nhóm 1, các doanh nghiệp phát hành đều kinh doanh hiệu quả và thanh toán đúng hạn.
Vietcombank đánh giá việc phát triển thị trường TPDN là yêu cầu chính đáng và tất yếu của doanh nghiệp và nền kinh tế. Đây là thị trường tiềm năng và còn nhiều dư địa để phát triển. Do đó, ngân hàng luôn chủ động, tích cực tham gia thị trường TPDN với vai trò đa dạng như nhà đầu tư chuyên nghiệp, tổ chức tư vấn, tổ chức bảo lãnh phát hành, đơn vị cung ứng dịch vụ thanh toán… để góp phần thúc đẩy sự phát triển của thị trường và phục vụ chiến lược phát triển dài hạn của Vietcombank.
Số liệu thống kê của Ngân hàng Nhà nước cho thấy, tính đến cuối năm 2021, có 41 tổ chức tín dụng (TCTD) tham gia đầu tư trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) với tổng dư của hệ thống TCTD là 274.000 tỷ đồng, chiếm 2,63% tổng dư nợ tín dụng của hệ thống.
Đặc biệt trong 2021, Bộ Tài chính đã liên tục có cảnh báo về rủi ro trên thị trường này. Cuối năm 2021, Thủ tướng Chính phủ cũng đã có công điện yêu cầu rà soát, xử lý các vấn đề phát sinh. Sự vào cuộc trên cùng hướng tới phát triển một thị trường – một kênh dẫn vốn quan trọng cho nền kinh tế phát triển bền vững hơn, tạo giá trị mở rộng hơn. Đây cũng là hướng “chia lửa” cho tín dụng của các ngân hàng thương mại, cũng như kết hợp với thị trường cổ phiếu để phát triển thị trường vốn.
Với các ngân hàng thương mại, họ cũng chính là các nhà phát hành trái phiếu, vẫn được gọi là trái phiếu doanh nghiệp. Tuy nhiên, ở đây có sự rạch ròi về giá trị và hệ số rủi ro so với trái phiếu doanh nghiệp thông thường.
Như hiện nay các ngân hàng thương mại mua trái phiếu doanh nghiệp là ngân hàng thương mại khác phát hành thì hệ số rủi ro và trích lập dự phòng không như đối với trái phiếu doanh nghiệp lĩnh vực khác. Theo đó, trong gần 1,4 triệu tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp đang lưu hành, một cấu phần lớn được xác định rõ là yếu tố rủi ro khác biệt, do các ngân hàng thương mại phát hành. Như vậy không đánh đồng rủi ro nói chung trên thị trường này.
Mặt khác, trái phiếu là một công cụ tài chính quan trọng, linh hoạt và cơ động, để các ngân hàng sử dụng khi cần nguồn vốn trung dài hạn để kê các cân đối vốn. Đây cũng là một giá trị lớn của thị trường trái phiếu doanh nghiệp nói chung, vì khi các nhà băng cân đối vốn được tốt hơn, lực đẩy tín dụng của họ cho nền kinh tế càng tự thân thuận lợi hơn.
Đến cuối năm 2021, 24 ngân hàng niêm yết đang nắm giữ 242.674 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp, tăng tới 21% so với cuối năm trước, trong đó có 14 thành viên ghi nhận lượng trái phiếu nắm giữ tăng trong năm qua.
Vietcombank là một trong những nhà băng ghi nhận lượng trái phiếu doanh nghiệp nắm giữ tăng mạnh nhất với mức tăng hơn 2 lần, từ 5.335 tỷ đồng cuối năm 2020 lên 11.929 tỷ đồng khi kết thúc năm 2021.
Tại NamABank, mức tăng trưởng thậm chí ghi nhận tới 3,7 lần, từ 648 tỷ đồng lên 2.383 tỷ đồng. Một số ngân hàng khác cũng ghi nhận lượng trái phiếu doanh nghiệp tăng mạnh trong năm qua bao gồm OCB (91%), TPBank (65%), ABBank (58%), MB (53%), VIB (49%),…
Xét về giá trị tuyệt đối, Techcombank vẫn đang là ngân hàng đứng đầu hệ thống về số lượng trái phiếu doanh nghiệp nắm giữ, với 62.809 tỷ đồng, tăng 16.081 tỷ đồng, tương đương 34,4% so với con số cuối năm 2020. Lượng trái phiếu này chiếm tỷ trọng tới 11% trong tổng tài sản của nhà băng, cao hơn rất nhiều so với tỷ trọng trung bình 2,6% của nhóm khảo sát.
Tổng Hợp