Lãnh đạo một doanh nghiệp xăng dầu lo ngại đà tăng còn tiếp tục trong thời gian tới trong bối cảnh nguồn cung thế giới còn nhiều biến động.
Giá dầu chủ yếu phụ thuộc vào cung và cầu. Các lệnh phong tỏa chưa được dỡ bỏ tại Trung Quốc khiến lo ngại về nhu cầu tiêu thụ nhiên liệu sụt giảm tăng lên. Trong khi đó, chỉ khi những lo ngại của thị trường về xung đột Nga – Ukraine được xoa dịu thì cung dầu toàn cầu mới có thể trở lại bình thường.
Một chuyên gia trong nước đã đưa ra một số kịch bản về xăng dầu trong thời gian tới. Trong đó, ở kịch bản 1: Giá dầu ở quanh 100 USD/thùng. Kịch bản này xảy ra khi xung đột Nga – Ukraine kéo dài. Mỹ và EU cấm nhập toàn bộ hoặc một phần dầu của Nga. Mỹ và Iran chưa sớm đạt thỏa thuận. OPEC+ vẫn tăng sản lượng dầu chậm chạp, không đạt mức hạn ngạch cam kết. Mỹ không sử dụng thêm kho dự trữ chiến lược để hạ nhiệt giá dầu.
Còn kịch bản 2 là giá dầu giảm về 80 USD/thùng. Kịch bản này sẽ thành hiện thực khi Trung Quốc tiếp tục chính sách “zero Covid”, phong tỏa các thành phố lớn, làm giảm tăng trưởng kinh tế, từ đó nhu cầu sử dụng dầu giảm, bằng năm 2021.
Kịch bản 2 là Nga và Ukraine đạt thỏa thuận. Mỹ và EU không cấm nhập khẩu dầu từ Nga. Mỹ và Iran đạt thỏa thuận hạt nhân, cho phép Iran xuất khẩu dầu trở lại khoảng 1 triệu thùng/ngày.
Tuy nhiên, kịch bản 2 được đánh giá là khó khả thi hơn. Một số chuyên gia quốc tế cho rằng thị trường dầu thế giới đang thiên về kịch bản giá dầu ở quanh mức 100 USD/thùng.
Tính từ đầu năm đến nay, thị trường trong nước đã có 10 lần điều chỉnh giá xăng, trong đó, có 7 lần tăng giá, 3 lần giảm giá. Hiện mặt hàng này vẫn ở mức giá rất cao gây áp lực lên lạm phát, tác động không nhỏ đến cuộc sống người dân.
Mới đây, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ký ban hành công điện về việc bảo đảm cung ứng xăng dầu cho thị trường trong nước. Thủ tướng yêu cầu Bộ Công an tăng cường các biện pháp phòng chống, xử lý nghiêm những hành vi vi phạm liên quan đến sản xuất, nhập khẩu, buôn bán và phân phối xăng dầu.
Thanh tra Chính phủ bổ sung kế hoạch thanh tra việc chấp hành chính sách, pháp luật trong công tác quản lý Nhà nước về xăng dầu nhằm kịp thời phát hiện các sơ hở, bất cập trong hoạt động kinh doanh xăng dầu, kiến nghị biện pháp xử lý theo quy định; báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Theo lý giải của Bộ Công Thương, thị trường xăng dầu thế giới có những diễn biến trái chiều trong 10 ngày qua. Trước dự báo tăng trưởng toàn cầu giảm của IMF khiến áp lực về cầu giảm, Bộ Công Thương cho rằng nguồn cung từ Nga và Libya giảm cùng với việc Thượng Hải chuẩn bị mở cửa trở lại sau thời gian bị phong tỏa để phòng chống dịch Covid-19 nên giá dầu đã tăng trở lại.
“Giá xăng dầu thành phẩm trên thị trường thế giới có sự tăng giảm đan xen nhưng xu hướng chung là tăng”, Bộ Công Thương cho biết. Trong khi đó, giá xăng dầu cơ sở trong nước phụ thuộc vào giá thế giới.
Dữ liệu từ Bộ Công Thương cho thấy bình quân giá thành phẩm xăng dầu thế giới giữa kỳ điều hành giá xăng dầu ngày 12-21/4 là: 124,47 USD/thùng xăng RON 92 dùng để pha chế xăng E5RON92, tăng 4 % so với kỳ trước; 127,5 USD/thùng xăng RON 95, tăng 3,65%. Dầu diesel là 142,2 USD/thùng, tăng 6,46%.
Ngoài ra, dù kỳ điều hành này, giá xăng dầu có xu hướng tăng song cơ quan điều hành vẫn tiến hành trích lập quỹ bình ổn. Cụ thể, việc trích lập E5 RON 92 ở mức 400 đồng/lít, RON 95 là 500 đồng/lít, dầu diesel và dầu hỏa đều ở mức 100 đồng/lít.
Chỉ riêng dầu mazut không trích lập mà thực hiện chi quỹ ở mức 250 đồng/kg, còn các mặt hàng xăng dầu khác không chi.
Tổng Hợp