Nhìn lại diễn biến trong quý đầu năm 2022, mặt bằng lãi suất VND có xu hướng tăng nhẹ, mức tăng phổ biến trong khoảng 0,1 – 0,4%/năm. Gần đây, lãi suất trên thị trường mở và lãi suất trái phiếu chính phủ có diễn biến tăng. Đây là tín hiệu rõ nét về áp lực tăng lãi suất.
Trong tuần từ 4 – 8/4/2022, hoạt động trên thị trường mở (OMO) tương đối sôi động và Ngân hàng Nhà nước tiếp tục bơm gần 1.200 tỷ đồng vào hệ thống ngân hàng thông qua nghiệp vụ mua kỳ hạn 14 ngày, với lãi suất 2,5%/năm. Tổng lượng tín phiếu đáo hạn trong tuần là 720 tỷ đồng, tổng lượng tín phiếu lưu hành đến cuối tuần là 5.000 tỷ đồng. Lãi suất VND trên thị trường liên ngân hàng duy trì ở mức cao, kết thúc tuần, kỳ hạn qua đêm ở mức 2,29%/năm (tăng 0,1% so với tuần trước đó), kỳ hạn 1 tuần là 2,52%/năm (tăng 0,12%), lãi suất các kỳ hạn từ 2 tuần đến 3 tháng tăng 0,12 – 0,22%/năm, phản ánh kỳ vọng lãi suất tăng.
Nhìn lại diễn biến trong quý đầu năm 2022, mặt bằng lãi suất VND có xu hướng tăng nhẹ, mức tăng phổ biến trong khoảng 0,1 – 0,4%/năm. Trên thị trường 1, lãi suất huy động tăng chủ yếu ở một số ngân hàng thương mại cổ phần như VPBank, Techcombank, Sacombank, ACB, OCB…, trong khi nhóm ngân hàng có vốn nhà nước chi phối giữ nguyên lãi suất. Trong các ngân hàng tăng lãi suất, ngoại trừ VPBank có mức tăng từ 0,4 – 0,7%/năm với các khoản tiền gửi lớn và kỳ hạn trung và dài hạn, thì phần lớn ngân hàng tăng lãi suất ở mức 0,2%/năm và tăng đều ở hầu hết kỳ hạn.
Đồng thời với xu hướng tăng lãi suất là thanh khoản VND có dấu hiệu kém dồi dào hơn. Theo một lãnh đạo cao cấp BIDV, nguyên nhân xuất phát từ 2 yếu tố chính sau.
Thứ nhất, diễn biến kém thuận lợi của cung – cầu ngoại tệ dưới tác động tiêu cực từ các sự kiện quốc tế mang tính đột biến cao như cuộc chiến Nga – Ukraine. Đáng chú ý, xu hướng đẩy nhanh lộ trình thắt chặt tiền tệ của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) khiến Ngân hàng Nhà nước chưa thể mua vào ngoại tệ để bổ sung nguồn cung VND cho thị trường như cùng kỳ mọi năm. Nói cách khác, Ngân hàng Nhà nước thiếu đi công cụ để hiện thực hóa việc điều hành chính sách tiền tệ nới lỏng theo đúng định hướng.
Thứ hai, cân đối huy động vốn – tín dụng có xu hướng thu hẹp trong bối cảnh tăng trưởng huy động vốn chậm lại do dòng vốn ngoại tệ kém dồi dào, trong khi tín dụng tiếp tục tăng trưởng tích cực cùng với xu hướng mở cửa của nền kinh tế. Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, tăng trưởng tín dụng đến cuối quý I/2022 đạt 5,04% – mức tăng cao nhất trong khoảng 5 năm trở lại đây và cao hơn so với tăng trưởng huy động vốn trên 2%.
Trong diễn biến có liên quan, tuần từ 4 – 8/4/2022, Kho bạc Nhà nước gọi thầu tổng cộng 5.000 tỷ đồng trái phiếu chính phủ, nhưng chỉ có 2.000 tỷ đồng trúng thầu ở kỳ hạn 10 năm và 15 năm và lãi suất trúng thầu tăng nhẹ, dù khối lượng đăng ký gấp 1,8 lần khối lượng gọi thầu.
Sau 15 ngày đầu quý II/2022, Kho bạc Nhà nước mới hoàn thành được 1,7% kế hoạch quý và 10,8% kế hoạch phát hành cả năm.
Có thể thấy, thị trường đang đòi hỏi mức lợi suất trái phiếu chính phủ cao hơn so với mức mà Kho bạc Nhà nước đưa ra. Đây là tín hiệu rõ nét về áp lực tăng lãi suất.
Trong nhóm các ngân hàng có vốn nhà nước chi phối, Vietcombank đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế năm 2022 tối thiểu đạt 30.661 tỷ đồng, tăng 12% so với năm 2021; VietinBank lên kế hoạch lợi nhuận riêng lẻ trước thuế tăng 15% và sẽ điều chỉnh theo sự phê duyệt hạn mức tăng trưởng tín dụng (room) của Ngân hàng Nhà nước, theo đó, Ngân hàng có thể đạt hơn 19.300 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế.
Theo báo cáo gần đây về triển vọng ngành ngân hàng của Công ty Chứng khoán SSI, tăng trưởng lợi nhuận trước thuế năm 2022 của các ngân hàng có thể đạt 24 – 25% so với năm trước. Các yếu tố thúc đẩy lợi nhuận được hỗ trợ bởi kinh tế phục hồi tốt hơn dự kiến và các khoản thu nhập bất thường từ kênh phân phối bảo hiểm (bancassurance).
Trong khi đó, Công ty Chứng khoán ACB cho rằng, động lực tăng trưởng lợi nhuận của ngành ngân hàng trong năm 2022 sẽ đến từ hai yếu tố là tăng trưởng tín dụng ở mức cao và áp lực trích lập dự phòng không còn lớn như năm 2021.
“Những ngân hàng có lợi thế về room tín dụng, có hệ số an toàn vốn (CAR) cao, độ bao phủ nợ xấu lớn… sẽ không chỉ duy trì mà còn đẩy được tốc độ tăng trưởng lợi nhuận cao”, tổng giám đốc một ngân hàng thương mại cổ phần nhận định.
Được biết, năm 2022, VPBank dự kiến tăng trưởng tín dụng 35% dựa trên nhu cầu và năng lực của Ngân hàng, còn số liệu thực tế sẽ thực hiện dựa trên các hạn mức tối đa và quy định của Ngân hàng Nhà nước. VIB đặt kế hoạch tăng trưởng tín dụng 30% và cũng lưu ý về việc phụ thuộc vào room được cấp. MB dự kiến dư nợ tín dụng tăng khoảng 16%, dư nợ cho vay tăng 10%. Kế hoạch tăng trưởng tín dụng của Viet Capital Bank là 15%, Vietcombank là 12%, VietinBank là 10 – 14%.
Trước thềm cuộc họp đại hội cổ đông sẽ diễn ra vào ngày cuối cùng của tháng 4/2022, VPBank công bố kế hoạch lợi nhuận trước thuế năm nay là 29.662 tỷ đồng, tăng 107% so với năm 2021. Tương tự, Eximbank dự kiến trình đại hội cổ đông thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2022 với mục tiêu lợi nhuận trước thuế 2.500 tỷ đồng, tăng 107,5% so với năm 2021. Tại đại hội cổ đông ngày 20/4 tới, Hội đồng quản trị SHB sẽ trình cổ đông thông qua mục tiêu phát triển kinh doanh năm 2022 với lợi nhuận trước thuế tối thiểu đạt 11.868 tỷ đồng, tăng 87% so với năm ngoái.
VietBank đặt kế hoạch lợi nhuận năm 2022 tăng 71,4% so với năm 2021, vượt mốc 1.000 tỷ đồng. Một loạt ngân hàng khác lên kế hoạch lợi nhuận trước thuế năm 2022 tăng trưởng trên 30% như ABBank là 57%, SeABank là 49%, Viet Capital Bank là 45%, TPBank là 36%, MSB là 34%, VIB là 31%.
Tổng Hợp