Hoạt động môi giới bất động sản chưa được quản lý chặt chẽ, tỷ lệ môi giới địa ốc có chứng chỉ hành nghề hiện rất thấp.
Môi giới bất động sản là một nghề đòi hỏi kiến thức chuyên sâu trong nhiều lĩnh vực, bên cạnh đạo đức nghề nghiệp và sự thính nhạy về thị trường. Bằng chứng là tại các quốc gia phát triển như Mỹ, Anh, Nhật Bản, Hàn Quốc…, các môi giới muốn trụ vững với nghề thì phải trải qua nhiều đợt thi sát hạch với tỷ lệ chấp nhận chỉ khoảng 15%.
Bên cạnh đó, dịch vụ tư vấn cũng được ưu tiên hàng đầu bởi khách hàng có thể trực tiếp đánh giá môi giới thông qua các hệ thống ghi nhận trực tuyến, nếu điểm đánh giá thấp thì môi giới phải tham gia sát hạch lại. Để một giao dịch thành công, người môi giới mất nhiều thời gian, công sức, tuân thủ nghiêm ngặt các quy trình pháp lý…
Ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam cho biết, trên thị trường hiện có hơn 300.000 người hoạt động môi giới bất động sản, nhưng số môi giới có chứng chỉ hành nghề chỉ khoảng 30.000 người, tương đương 10% – một tỷ lệ rất thấp. Bên cạnh đó, nhiều chứng chỉ hành nghề được cấp theo quy định cũ đã hết hiệu lực, hiện số chứng chỉ được cấp lại theo quy định mới chỉ khoảng 10.000 trường hợp.
“Hiện tại, số người mong muốn được sát hạch, cấp chứng chỉ hành nghề rất nhiều, nhưng công tác tổ chức của cơ quan chức năng các địa phương diễn ra chậm chạp và còn nhiêu khê. Trong khi đó, môi giới bất động sản hoạt động không có chứng chỉ tiềm ẩn nhiều nguy cơ về pháp luật, gây ảnh hưởng đến thị trường bất động sản cũng như quyền lợi khách hàng”, ông Đính nói.
Thực tế, bất động sản là loại hàng hóa đặc biệt, có giá trị lớn, là tài sản mà người dân tích cóp cả đời mới có được, nên nếu người hoạt động môi giới không được đào tạo bài bản, thiếu trách nhiệm thì sẽ khó bảo vệ lợi ích của khách hàng. Mặt khác, bên cạnh tính chuyên nghiệp, các cơ chế pháp luật cũng cần có ràng buộc chặt chẽ và quản lý được môi giới, bởi dù được cấp chứng chỉ hành nghề, nhưng họ hoạt động như thế nào thì pháp luật chưa được kiểm soát được, đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến việc nhiều môi giới đưa tin sai sự thật, lừa đảo khách hàng.
“Khi cấp chứng nhận hành nghề cho môi giới bất động sản, các cơ quan quản lý nhà nước nên cấp mã số hành nghề quốc gia cho từng người. Mọi hoạt động giao dịch của môi giới bất động sản phải được cập nhật hệ thống cơ sở dữ liệu nhằm tránh việc môi giới lừa đảo khách hàng, bán một sản phẩm cho nhiều khách hàng, hoặc tiến hành giao dịch tại những dự án chưa đủ điều kiện pháp lý”, ông Đính gợi ý.
Trong 300.000 người làm nghề môi giới bất động sản (BĐS) trên cả nước hiện nay có những môi giới làm việc rất chuyên nghiệp, được đào tạo bài bản, song cũng không ít người không qua đào tạo, kiến thức và cả kỹ năng đều thiếu sót. Chính bộ phận này đã làm “xấu mặt” nghề môi giới BĐS, góp phần tác động tiêu cực đến thị trường BĐS.
Thị trường bất động sản TP.HCM xuất hiện tin đồn căn hộ thuộc Khu đô thị Vạn Phúc City (TP. Thủ Đức, TP.HCM) được chào bán với giá 170 triệu đồng/m2, cao hơn nhiều so với mặt bằng giá một số dự án cùng khu vực (khoảng 50 triệu đồng/m2). Sau đó, các dòng quảng cáo kiểu như “căn hộ Vạn Phúc sẽ được triển khai sớm. Giá dự kiến 170 triệu đồng/m2…”, hay “Mặt bằng giá mới cho TP.Thủ Đức, mạnh dạn chốt Urban Green nào…” được rao nhan nhản trên nhiều hội nhóm về bất động sản, gây bất lợi cho dự án Vạn Phúc City.
Theo bà Nguyễn Thị Thanh Hương, Tổng giám đốc Đại Phúc Land, đại diện Vạn Phúc Group – chủ đầu tư dự án Vạn Phúc City cho biết, hiện tại, Vạn Phúc Group chưa công bố bất cứ thông tin nào về giá căn hộ tại Vạn Phúc City, dự kiến trong quý III/2022 mới công bố các thông tin chính thức về sản phẩm căn hộ tại dự án này.
“Vạn Phúc Group không ký kết với bất cứ cá nhân, tổ chức nào để ủy thác môi giới căn hộ tại Vạn Phúc City nên mọi thông tin quảng cáo nếu có về căn hộ tại dự án này đều không hợp pháp”, bà Hương khẳng định, đồng thời cho biết thêm, cách đây khoảng một năm, hình ảnh đại diện của một website có tên miền https://urban-green.vn/ khi hiển thị trên các trang mạng xã hội chính là hình ảnh thiết kế chính thức tại cụm căn hộ và trung tâm thương mại của dự án Vạn Phúc City chuẩn bị giới thiệu đến khách hàng.
Trên thực tế, câu chuyện bị “chơi xấu” của Tập đoàn Vạn Phúc chỉ là một trong nhiều “chiêu trò” mà một số đội nhóm môi giới sử dụng nhằm mục đích cạnh tranh kém lành mạnh như “cắt máu” để giật khách, kê giá – thổi giá, cung cấp thông tin chưa kiểm chứng cho khách hàng để triệt hạ đối thủ…
Thử tìm kiếm cụm từ “học chứng chỉ môi giới BĐS” trên Google chúng ta sẽ thấy rất nhiều kết quả với đủ loại khóa học được thiết kế khác nhau. “Anh học chứng chỉ môi giới thì học ba buổi trực tuyến cũng được, mỗi buổi học 3 tiếng. Anh chỉ cần ở nhà, tải phần mềm về, một khóa hơn 1 triệu đồng” – một nhân viên công ty chuyên đào tạo môi giới BĐS tư vấn. Trong khi đó, cũng nhận đào tạo trực tuyến, một công ty khác cho biết khóa học có tám buổi. Học xong thi chứng chỉ theo quy định của Bộ Xây dựng.
Ngoài mỗi nơi một kiểu thì tình trạng mua chứng chỉ cũng đang manh nha hình thành. Một diễn đàn BĐS vừa đưa ra cảnh báo về việc có hiện tượng mua bán chứng chỉ môi giới BĐS. Nội dung như sau: Gửi anh chị em sale BĐS cảnh báo về việc mua chứng chỉ môi giới. Ảnh dưới là giấy chứng nhận của một bạn sale gửi mình khoe là em đã đóng tiền 1,5 triệu đồng và học trực tuyến bao đậu, sau vài ngày được cấp cái như ảnh. Đừng để tiền thì mất mà tiền phạt (hành nghề không có chứng chỉ môi giới) vẫn phải đóng nhé các bạn.
Tổng Hợp