Kể từ giữa năm 2020, sau cú sốc bùng phát dịch Covid-19, kinh tế thế giới đã chứng kiến một xu hướng lạm phát liên tục gia tăng. Với nền kinh tế có độ mở cao, Việt Nam khó tránh khỏi xu thế chung của toàn cầu.
HSBC đánh giá, Việt Nam đang gặp một loạt thách thức trong bối cảnh giá nhiên liệu thế giới tăng cao, không ngừng tác động lên giá cả cả tiêu dùng. Trong đó, lạm phát toàn phần tháng 3/2022 tăng 0,7% so với tháng trước khiến mức tăng so với cùng kỳ năm trước đạt 2,4%.
Thực tế, giá xăng trong nước đã được điều chỉnh tăng 7 lần liên tiếp kể từ đầu tháng 12/2021, đạt mức cao kỷ lục trong tháng 3/2022. Để ứng phó với tình hình này, các cơ quan chức năng đã quyết định giảm 50% thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu từ 1/4 tới cuối năm 2022.
“Trước tình hình giá dầu thế giới tăng cao và xu hướng còn kéo dài thêm một thời gian nữa, chúng tôi điều chỉnh dự báo lạm phát năm 2022 của Việt Nam lên mức 3,7%”, nhóm nghiên cứu tại HSBC đưa ra dự báo.
Theo ông Nguyễn Đức Long, Vụ trưởng Vụ Dự báo Thống kê, Ngân hàng Nhà nước chia sẻ, thời gian qua Ngân hàng Nhà nước rất quan tâm tới việc điều hành các chỉ tiêu tiền tệ để kiểm soát lạm phát ở mức hợp lý. Trong đó, mức hợp lý ở đây tức là lạm phát không chỉ đạt mục tiêu trong năm nay, mà còn không tạo áp lực cho năm sau.
Chi tiết hơn, ở yếu tố tăng trưởng tín dụng, cách đây hơn chục năm thì rất cao, nhưng thời gian qua luôn được đặt ra ở mức phù hợp với thị trường. Đồng thời, tín dụng cũng được hướng đến các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, hạn chế dòng tiền đi vào lĩnh vực rủi ro như bất động sản, chứng khoán…
Tương tự, thanh khoản luôn được duy trì dồi dào vừa phải, mặt bằng lãi suất liên ngân hàng hợp lý. Hay như, tỷ giá luôn được giữ ổn định, bởi lẽ, Ngân hàng Nhà nước hiểu rằng, trong bối cảnh lạm phát thì tỷ giá có vai trò rất quan trọng để hạn chế sức ảnh hưởng từ việc giá cả hàng hoá thế giới đang tăng nhanh.
Với việc điều hành đồng bộ như vậy, có thể thấy diễn biến lạm phát trong thời gian qua luôn được kiểm soát lạm phát theo đúng mục tiêu. Trong đó lạm phát toàn phần CPI đều là dưới 4%. Đối với lạm phát cơ bản, dao động trong 0,8-2%, mức hợp lý đối với Việt Nam.
“Đây là yếu tố hết sức quan trọng và hỗ trợ trong việc ổn định được nền kinh tế vĩ mô, và kỳ vọng kiểm soát lạm phát đề ra”, ông Long nhìn nhận.
Theo TS. Lê Xuân Nghĩa, về giá xăng dầu thế giới, dự báo mức đỉnh là 140 USD/thùng và không tăng thêm bởi nhiều lực cản như: nhu cầu giảm khi mùa đông qua, xung đột Nga – Ukraine đã dịu lại, hành động quyết liệt của các nước OPEC trong việc gia tăng sản lượng. Đối với an ninh năng lượng, Việt Nam có một lượng xăng dầu trong nước để cung ra thị trường để hạn chế bớt được tác động từ bên ngoài. Mặc dù nhà máy Nghi Sơn, chiếm 25% lượng cung xăng dầu cả nước gặp trục trặc nhưng Chính phủ cũng đã có kế hoạch để giải quyết.
Trong báo cáo mới nhất, Ngân hàng UOB nhìn nhận, Việt Nam đang phải đối mặt với rủi ro lạm phát. Bởi lẽ, chi phí nhiên liệu trong nước tăng nhanh do giá dầu thô toàn cầu tăng trước xung đột quân sự Nga – Ukraine và các lệnh trừng phạt đối với Nga. “Với sự khởi sắc trong các hoạt động kinh doanh, nhu cầu đối với các sản phẩm năng lượng sẽ tăng song song với việc tăng giá toàn cầu, các cân đối bên ngoài, lạm phát Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng bất lợi”, UOB nhận định.
Việc kiểm soát cung tiền cũng được Ngân hàng Nhà nước triển khai tốt những năm qua, giúp lạm phát chi phí đẩy có thể được khống chế nhanh và không bị kích hoạt tăng lên bởi lạm phát cầu kéo.
Tổng Hợp