Trưởng bộ phận kinh doanh trái phiếu một công ty chứng khoán cho hay, một số khách hàng có dòng tiền tốt đang muốn mua lại trái phiếu trước hạn. Điều này cho thấy, không phải tổ chức phát hành nào trên thị trường trái phiếu cũng “có vấn đề” và thiếu năng lực tài chính quá lớn nên phải tìm đến kênh trái phiếu.
Hợp đồng mà Tân Hoàng Minh ký với khách hàng không phải là hợp đồng mua bán trái phiếu, mà là hợp đồng hợp tác đầu tư. Cụ thể, tổ chức phát hành là công ty con của Tân Hoàng Minh, rồi một công ty con khác của Tân Hoàng Minh đứng ra mua sơ cấp với vai trò chủ sở hữu, sau đó ký hợp đồng cùng đầu tư trái phiếu với khách hàng.
Hợp đồng không ghi rõ khách hàng được chuyển nhượng trái phiếu, mà chỉ ghi “bằng hợp đồng này, nhà đầu tư đồng ý cùng chủ sở hữu đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp (tên của tổ chức phát hành – PV)”.
Đáng chú ý nhất là về quyền và nghĩa vụ của chủ sở hữu (công ty đứng ra ký hợp đồng với khách hàng bỏ vốn). Cụ thể, nếu quá 60 ngày kể từ ngày hết hạn phải thanh toán/hoàn trả mà chủ sở hữu không thực hiện nghĩa vụ thì nhà đầu tư có quyền đề nghị chủ sở hữu chuyển nhượng trái phiếu cho nhà đầu tư đứng tên với điều kiện nhà đầu tư đáp ứng đủ điều kiện được nhận chuyển nhượng/sở hữu trái phiếu theo quy định pháp luật.
Điều khoản này đẩy rủi ro và bất lợi về phía khách hàng bỏ vốn khi họ có thể không được thanh toán đúng hạn. Câu hỏi đặt ra là, nếu khách hàng bỏ vốn không đủ điều kiện là nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp thì họ sẽ làm thế nào khi vừa không thể sở hữu trái phiếu, vừa không được thanh toán đúng hạn?
Tình thế lơ lửng như vậy có thể xảy ra với rất nhiều nhà đầu tư, vì theo bản quảng cáo bán trái phiếu của Tân Hoàng Minh, mỗi suất đầu tư tối thiểu chỉ cần 50 triệu đồng.
Bên cạnh rủi ro ở điều khoản hợp đồng, một rủi ro lớn khác mà nhà đầu tư có thể gánh chịu là việc định giá tài sản bảo đảm do các công ty trong cùng hệ sinh thái của doanh nghiệp phát hành thực hiện.
Trong 1 năm gần đây, nhiều công ty chứng khoán cho biết, họ đã từ chối hợp tác trong các thương vụ phát hành trái phiếu với một tập đoàn, vì doanh nghiệp yêu cầu định giá tài sản bảo đảm quá cao. Doanh nghiệp đã phải đưa trái phiếu về công ty chứng khoán và doanh nghiệp trong hệ thống của mình để thực hiện phát hành và phân phối.
Nhằm thu hút nhà đầu tư, họ đưa ra lãi suất cao so với mặt bằng chung, lãi suất tính theo ngày là 4%/năm, gửi 1 tỷ đồng từ 6 tháng trở lên có lãi suất 8,8%/năm và được tặng 100 USD…
Đó là những tổ chức phát hành được cho là lớn, trên thị trường còn có rất nhiều tổ chức phát hành trái phiếu riêng lẻ, sử dụng mạng xã hội và các kênh truyền thông điện tử để quảng bá bán trái phiếu với lãi suất lên tới 17 – 18%/năm, nhưng hợp đồng có những điều khoản khó hiểu, thường đẩy người mua vào vị thế “nắm đằng lưỡi”.
Theo TCBS, trái phiếu là sản phẩm đầu tư dài hạn, có rủi ro, cần đặt yếu tố an toàn lên trên lãi suất. Trái phiếu an toàn cao khi được đảm bảo bằng tài sản (tài sản bảo đảm), nhất là khi tài sản đó được định giá/tư vấn giá bởi các tổ chức có trong danh sách được Bộ Tài chính phê duyệt.
Ngoài những thủ tục chuẩn chỉnh ban đầu, tài sản bảo đảm cho trái phiếu cần được theo dõi và định giá lại định kỳ, hoặc khi có các sự kiện bất thường khiến giá trị của chúng có thể thay đổi. Trường hợp giá trị bảo đảm của tài sản bảo đảm giảm xuống dưới giá trị bảo đảm tối thiểu thì tổ chức phát hành phải bổ sung thêm tài sản bảo đảm có tính an toàn tương tự, hoặc mua lại từ các nhà đầu tư một phần trái phiếu tương đương với phần thiếu hụt tài sản bảo đảm.
TCBS thường phân loại trái phiếu có cấu trúc an toàn theo nguyên tắc thỏa mãn tối thiểu một trong những điều kiện sau: một là, trái phiếu có tài sản bảo đảm có giá trị và có khả năng thanh khoản; hai là, trái phiếu có bảo lãnh thanh toán của đơn vị bảo lãnh uy tín, năng lực tài chính tốt, hoạt động kinh doanh ổn định; ba là, trái phiếu không có tài sản bảo đảm chỉ áp dụng cho các tổ chức phát hành uy tín, năng lực tài chính tốt, hoạt động kinh doanh ổn định, có lịch sử tốt về việc trả nợ của các khoản vay, trái phiếu đã phát sinh trong 3 năm liền trước, đồng thời có lịch sử tốt về việc tuân thủ các cam kết sau phát hành.
Tổng Hợp