Thực hiện chuỗi ngày giãn cách xã hội, thị trường vàng trong nước đang rơi vào chuỗi ngày ‘đóng băng’ theo đúng nghĩa (không mở cửa, không giao dịch mua bán vàng vật chất). Các chuyên gia nhận định, sau khi thị trường hoạt động trở lại, nhu cầu mua vàng để làm tài sản trú ẩn sẽ đẩy giá vàng tiếp tục tăng.
“Ðóng băng” vì giãn cách xã hội
Ngay khi lệnh cách ly toàn xã hội có hiệu lực, ngày 1/4, các công ty vàng trên toàn quốc đóng cửa các điểm giao dịch, tạm dừng giao dịch online. Tập đoàn vàng bạc Doji đã ra thông báo tạm dừng hoạt động tại tất cả trung tâm vàng bạc trang sức Doji trên toàn quốc. Công ty Cổ phần vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ) dừng 38 cửa hàng tại Hà Nội, 20 cửa hàng tại TP.HCM và 6 cửa hàng ở các tỉnh thành khác. Tương tự, Bảo Tín Minh Châu cũng thông báo ngừng các hoạt động giao dịch trực tiếp, chỉ thực hiện giao dịch và mua bán vàng và trang sức online.
“Trong 15 ngày tới khi cách ly toàn xã hội, hệ thống cửa hàng giao dịch trên toàn quốc của Doji đóng cửa, tạm ngừng mọi giao dịch. Các hoạt động giao dịch online cũng tạm dừng hoàn toàn. Khách hàng có thể đặt hàng trực tuyến các sản phẩm của Trang sức DOJI tại một số sàn thương mại điện tử”, đại diện Doji cho biết.
Thị trường vàng trong nước gần như “đóng băng” bởi mọi giao dịch không thể tiếp tục, chỉ có một số các cửa hàng vàng bạc nhỏ lẻ, giao dịch với lượng hạn chế. Trong bối cảnh thị trường đóng băng, tuần giao dịch từ 13 – 19/4, giá vàng trong nước vẫn duy trì trên mốc 48 triệu đồng/lượng trong bối cảnh giá vàng thế giới giảm. Chốt phiên giao dịch tuần qua, giá vàng trong nước giữ vững trên mốc 48 triệu đồng/lượng ở chiều bán ra, mặc dù nhiều phiên giảm liên tiếp do chịu tác động của sự sụt giảm trên thị trường thế giới.
Có thời điểm, giá vàng bất ngờ vọt lên gần 49 triệu đồng, đây là mức tăng mạnh nhất trong vòng 1 tháng qua. Đà tăng kéo dài đến giữa tuần (ngày 15/4), sau đó, vàng quay đầu giảm mạnh, mức điều chỉnh trong khoảng 100.000 – 200.000 đồng/lượng. Tuy nhiên, nếu tính chung cả tuần, giá vàng miếng SJC vẫn tăng trong khoảng 100.000 – 200.000 đồng/lượng so với cuối tuần trước. Theo đánh giá của Tổng cục Thống kê, quý 1/2020, giá vàng trong nước biến động trái chiều với giá vàng thế giới do các nhà đầu tư trong nước có xu hướng nắm giữ vàng trong thời điểm chứng khoán, bất động sản không ổn định. Bình quân giá vàng thế giới đến ngày 24/3/2020 giảm 1,13% so với tháng 2/2020. Trong nước, chỉ số giá vàng tháng 3/2020 tăng 3,87% so với tháng trước; tăng 11,37% so với tháng 12/2019 và tăng 25,31% so với cùng kỳ năm trước.
Giá vàng: Sẽ tăng mạnh
Trong bối cảnh, dịch bệnh COVID-19 trên toàn thế giới chưa có dấu hiệu đạt đỉnh dịch, tiếp tục tác động xấu tới nền kinh tế toàn cầu. Giá vàng đang được quan tâm mua vào như hầm trú ẩn an toàn tài sản trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế toàn cầu ngày càng tăng bởi dịch bệnh. Các lệnh phong tỏa tiếp tục được các quốc gia đang bị ảnh hưởng nặng nề đưa ra hoặc kéo dài nhằm giảm bớt thiệt hại về người do số ca nhiễm và tử vong ngày càng cao. Thiệt hại về kinh tế được đánh giá còn lớn hơn cả khủng hoảng kinh tế năm 2008, khi các thể chế tài chính sụp đổ chủ yếu do nợ xấu với các khoản cho vay dưới chuẩn.
Trong bối cảnh đó, giá vàng thế giới mở cửa tuần này (ngày 20/4) ở mức 1683 USD/ounce, giảm mạnh so với phiên giao dịch trước đó. Sau khi đạt đỉnh cao nhất trong vòng 7 năm qua ở mức trên 1.700 USD/oucce, giá vàng thế giới bắt đầu giảm mạnh. Giá vàng thế giới giao tháng Sáu giảm 32,9 USD, tương đương 1,9%, xuống mức 1.698,80 USD/ounce. Tính chung cả tuần qua, giá vàng giảm 3,1%. Theo dự báo của các chuyên gia trên sàn Kitco, giá vàng tiếp tục duy trì đà tăng trong tuần này. Mức tăng không đáng kể do sự thoái lui sau khi đạt mức cao nhất sau 7 năm vào đầu tuần trước.
Cùng với sự giảm mạnh của giá vàng thế giới, giá vàng trong nước bắt đầu chuỗi ngày giảm giá. Trong bối cảnh, thị trường chứng khoán, bất động sản biến động khó lường trong bối cảnh đại dịch COVID-19 phức tạp, nhà đầu tư đang có dấu hiệu quay lại với vàng là kênh trú ẩn an toàn. Điều này thể hiện qua việc giá vàng trong nước luôn cao hơn giá vàng thế giới từ 500.000 – 700.000 đồng/lượng.
Ngày 20/4, giá vàng miếng trong nước được các công ty vàng niêm yết ở mức 47,6 – 48,1 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra). Mức giá này giảm 100.000 đồng /lượng ở cả 2 chiều mua vào và bán ra.