Ông Trịnh Văn Quyết đã thông tin rằng, Bamboo Airways đang thua lỗ do phải duy trì bộ máy nhân sự và cơ sở hạ tầng lớn hơn quy mô khai thác thực tế, kỳ vọng đến hết Quý I/2020 hãng mới có thể có lãi.
Vào ngày 04/3/2019, Bamboo Airways của ông Trịnh Văn Quyết đã tăng vốn điều lệ lên 1.300 tỷ đồng. Tính đến cuối năm 2019, Bamboo Airways đã chiếm 10% thị phần hàng không Việt Nam.
Song song với sự tăng trưởng “nóng”, chỉ sau hơn 1 năm cất cánh Bamboo Airways cũng phải đối diện với những khó khăn khi ghi nhận những khoản nợ lên tới hàng trăm tỷ đồng. Trong đó, khoản nợ “nhìn thấy” được Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) tính tại ngày 18/3/2020, Bamboo Airways đang nợ ACV gần 205,5 tỉ đồng, trong đó nợ quá hạn là 178,7 tỉ đồng.
Tuy nhiên, trái với những kỳ vọng của ông Trịnh Văn Quyết vào năm 2020 dịch Covid-19 bắt đầu bùng phát với diễn biến phức tạp khiến cho Bamboo Airways đối diện với nhiều khó khăn khi khai thác trên 60 đường bay nội địa. Đến năm 2021, trong bối cảnh ngành hàng không đối diện với nguy cơ phá sản do đại dịch Covid-19 gây ra, vào tháng 9/20219, Bamboo Airways đã bất ngờ tăng vốn điều lệ lên 18.500 tỷ đồng sau 4 lần điều chỉnh của Bamboo Airways trong năm 2021.
Tại thời điểm ngày 1/6/2021, cổ đông lớn nhất của Bamboo Airways là ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch HĐQT của hãng, FLC Group, FLC Holding Capital, FLC Faros với tổng 94% cổ phần. Các cổ đông cá nhân và tổ chức khác chiếm 5,75% cổ phần còn lại của Bamboo Airways. Trong giai đoạn vào tháng 3 – 4/2021, sản lượng của Bamboo tăng tới 40% so với tháng cao điểm nhất của năm 2020, số đường bay nội địa đạt tới gần 70 đường, cao nhất toàn ngành. Nhưng sau đó, bước sang tháng 5 – 6/2021, hoạt động khai thác thường lệ buộc phải thu hẹp khi dịch Covid-19 bùng phát mạnh mẽ.
Sau 2 năm chính thức cất cánh, Bamboo Airways đã làm thay đổi thị phần và chất lượng dịch vụ của ngành hàng không Việt Nam. Khách hàng nhìn nhận một cách thiện cảm từ văn hoá ứng xử, cách phục vụ… của hãng hàng không này. Năm 2022, Bamboo Airways dự kiến mở rộng quy mô mạng bay quốc tế lên 40 đường bay.
Bamboo Airways đặt mục tiêu mở rộng các đường bay thẳng đến Nhật Bản (với các đường bay thẳng đến Hà Nội/TP HCM – Tokyo/Osaka), Úc (với đường bay thẳng đến Hà Nội/TP HCM – Sydney), Anh (với đường bay Hà Nội – London) và đặc biệt là Mỹ (với đường bay TP HCM – San Francisco/Los Angeles) trong giai đoạn sau đó khi các điều kiện cho phép.
Tuy nhiên, kế hoạch phát triển của Bamboo Airways có thể khó hoàn thành khi ông Trịnh Văn Quyết bị bắt tạm giam vào ngày 29/3, về hành vi “Thao túng thị trường chứng khoán”, “Che giấu thông tin trong hoạt động chứng khoán” xảy ra ngày 10/01/2022, gây thiệt hại nghiêm trọng cho nhà đầu tư, ảnh hưởng đến hoạt động của thị trường chứng khoán Việt Nam.
Hiện nay, Cục Hàng không Việt Nam đang có báo cáo tổng thể hoạt động của Bamboo Airways lên Bộ GTVT. Đồng thời, Nhà chức trách hàng không sẽ giám sát chặt chẽ hơn hoạt động của Bamboo Airways trong 3 – 6 tháng tới. Thông tin về hoạt động giám sát của Cục Hàng không Việt Nam với Bamboo Airways, ông Vũ Hồng Quang, Phó trưởng phòng Vận tải (Cục Hàng không Việt Nam) thông tin, giấy phép kinh doanh vận tải hàng không của Bamboo Airways được cấp sửa đổi lần gần nhất vào ngày 3/2/2021.
Theo giấy phép này, người đại diện pháp luật là ông Đặng Tất Thắng, Tổng Giám đốc. Theo Điều lệ vận chuyển, cá nhân Chủ tịch của Bamboo Airways, cụ thể là ông Trịnh Văn Quyết sẽ không có quyền quyết định chiến lược phát triển công ty, kế hoạch phát triển kinh doanh, cũng như kế hoạch phát triển đội tàu bay. Người đại diện pháp luật là ông Đặng Tất Thắng sẽ phụ trách toàn bộ.
Về vốn góp đối với Bamboo Airway, ông Quang cho biết, Tập đoàn FLC góp 51% (3.586 tỷ đồng), ông Trịnh Văn Quyết góp 40% (2.800 tỷ đồng), cổ đông khác 8,7% (610 tỷ đồng). Hiện, ông Quyết Trịnh Văn Quyết nắm giữ khoảng 30% cổ phần của FLC.
“Nếu tính cả phần vốn này góp, ông Quyết đang góp khoảng 3.800 tỷ đồng vào Bamboo Airways (tương đương 51,2%). Phần còn lại khoảng hơn 48% của 7.000 tỷ đồng (theo Giấy phép kinh doanh), tương đương hơn 3.000 tỷ”, ông Quang cho hay.
Theo quy định tại Nghị định 89, vốn tối thiểu để duy trì hoạt động của đội tàu bay từ 30 tàu trở lên là 700 tỷ đồng. Điều này cũng đồng nghĩa với việc ngay cả khi không tính khoản vốn góp của ông Trịnh Văn Quyết, khoản tiền còn lại vẫn đủ đáp ứng yêu cầu yêu cầu theo quy định.
Về đội máy bay, đến nay Bamboo Airways đang khai thác 29 máy bay. Trong đó, gần nhất, ngày 5/12/2022, có một tàu bay A319 sẽ kết thúc hợp đồng thuê. Các tàu bay khác đều kết thúc hợp đồng vào các năm 2024, 2025 và các năm sau nữa. Số phận của Bamboo Airways sẽ ra sao, phát triển như thế nào khi ông Đặng Tất Thắng ngồi “ghế nóng” tại FLC và Bamboo Airways thay ông Trịnh Văn Quyết vẫn đang là câu hỏi bỏ ngỏ được nhiều người quan tâm.
Nhìn về quá khứ có thể thấy, Bamboo Airways là một hãng hàng không thuộc Tập đoàn FLC được thành lập ngày 31/5/2017 và được Bộ GTVT cấp giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không vào ngày 12/11/2018, với vốn điều lệ 700 tỷ đồng và được cấp phép khai thác các đường bay quốc tế và nội địa với 10 máy bay. Người đại diện pháp luật cũng chính là ông Đặng Tất Thắng.
Thời điểm đó, Bamboo Airways từng là cái tên gây “sốc” và từ ngạc nhiên này sang bất ngờ khác với những tuyên bố tưởng như “hoang đường” của ông Trịnh Văn Quyết về việc Bamboo Airways sẽ là hãng hàng không 5 sao với thông điệp “Hơn cả một chuyến bay”. Hầu hết ý kiến của giới chuyên môn lúc bấy giờ đều nói: “FLC liều, bởi đã có nhiều hãng hàng không trở thành “xác chết” khi làm ăn thua lỗ.
Tổng Hợp