Với mức lạm phát năm 2021 là 1,84%, thấp nhất kể từ năm 2015, Việt Nam cũng đang là một “làn gió ngược” trong xu hướng lạm phát của thế giới tính đến thời điểm hiện tại.
Đối với năm 2022, chúng tôi đánh giá mặt bằng lạm phát tiếp tục được hỗ trợ ở ba yếu tố là giá thực phẩm, yếu tố quản lý giá cả của Nhà nước, và chính sách tiền tệ:
Một là, giá lương thực, thực phẩm trong nước mặc dù chịu áp lực từ giá nông sản và phân bón trên thế giới tăng cao, tuy nhiên dự kiến vẫn có thể ổn định hơn nhiều so với giá thực phẩm thế giới. Thực tế, giá nông sản thường có những diễn biến trái chiều giữa các từng loại hàng hóa khác nhau, hoặc giữa các khu vực khác nhau trên thế giới. Trong khi giá nông sản, thực phẩm trên thế giới có xu hướng tăng mạnh, giá như thịt lợn, gạo, rau củ trong nước lại đang có xu hướng giảm trong thời gian gần đây.
Theo quan điểm của tác giả, sự phân hóa này nhiều khả năng vẫn tiếp diễn trong thời gian tới. Chẳng hạn, mặt hàng lúa gạo không chịu ảnh hưởng trực tiếp về nguồn cung do sự kiện Nga – Ukraine, nên áp lực tăng giá đối với mặt hàng này sẽ ít hơn so với lúa mỳ. Trong khi đó, nhu cầu nhập khẩu nông sản của Trung Quốc bị ảnh hưởng bởi chính sách kiểm soát dịch Covid-19 chặt chẽ, điều này cũng sẽ khiến cho nguồn cung trong nước dư thừa hơn và giúp ổn định giá cả nhóm hàng này.
Hai là, tác động hỗ trợ giá cả của Nhà nước: Giá điện và dịch vụ y tế nhiều khả năng cũng được giữ ổn định ít nhất đến hết năm 2022, trong khi giá dịch vụ giáo dục tiếp tục được hỗ trợ từ chính sách miễn giảm học phí năm học 2021/22. Ngoài ra, Chính phủ đã ban hành một loạt các chính sách hỗ trợ về giá cả như (i) giảm thuế suất nhập khẩu của một số mặt hàng như thép, ngô, lúa mỳ; (ii) giảm thuế giá trị gia tăng từ 10% xuống 8% kể từ tháng 2/2022; (iii) giảm đến 50% thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu (ước tính khiến lạm phát giảm 0,3-0,4 điểm phần trăm);
Ba là, chính sách tiền tệ kỳ vọng sẽ được giữ ổn định để tiếp tục hỗ trợ nền kinh tế, doanh nghiệp trong bối cảnh còn nhiều khó khăn trước mắt, chưa hòa mình vào làn sóng thắt chặt đang diễn ra rầm rộ trên thế giới. Mặc dù vậy, nếu so với giai đoạn 2020-2021 thì chính sách tiền tệ nhiều khả năng sẽ có phần thận trọng hơn, một mặt cần để mắt đến áp lực lạm phát và mặt khác điều kiện khách quan để nới lỏng cũng kém thuận lợi hơn khi nguồn cung ngoại tệ không còn duy trì được trạng thái dồi dào như các năm trước.
So với Trung Quốc, Việt Nam cũng có những đặc điểm tương đồng như đã phân tích ở trên khiến cho lạm phát có xu hướng ổn định: (i) Giá thực phẩm giảm 0,5% do nguồn cung trong nước dồi dào, đặc biệt là giá thịt lợn giảm sâu khoảng 30%; (ii) Tổng cầu nội địa yếu do ảnh hưởng của việc giãn cách xã hội kéo dài; (iii) Tác động hỗ trợ từ giá dịch vụ Nhà nước quản lý, bao gồm giá điện (giảm 0,9%), giá dịch vụ y tế (giữ nguyên chưa tăng giá theo lộ trình), giá dịch vụ giáo dục (tăng thấp 1,9% do chính sách miễn giảm học phí năm học 2021/22 khiến giá giảm mạnh từ tháng 9); (iv) Điều hành chính sách tiền tệ thận trọng, linh hoạt, tăng trưởng cung tiền ổn định ở mức 10-12%, đồng thời tỷ giá USD/VND trên thị trường liên ngân hàng cũng giảm khoảng 1% so với năm trước, từ 23.200 xuống 22.900.
Một yếu tố sẽ tạo ra sự thay đổi về xu hướng lạm phát trong thời gian tới là sự phục hồi của tiêu dùng trong nước. Sau khi hoàn tất cơ bản việc tiêm chủng trong nước tính đến nay, Việt Nam đã thay đổi chiến lược ứng phó với dịch Covid-19 từ việc áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội nghiêm ngặt sang chiến lược thích ứng an toàn, chấp nhận các ca nhiễm trong cộng đồng như phần lớn các quốc gia trên thế giới.
Bước đầu cho thấy trong quý 1/2022, Việt Nam đang kiểm soát tốt số ca bệnh nặng và tử vong, hoạt động tiêu dùng có xu hướng phục hồi tích cực và các hoạt động dịch vụ, du lịch đang dần được mở cửa trở lại. Qua đó, áp lực lạm phát đến từ phía cầu dự kiến sẽ trở nên rõ nét hơn trong năm 2022.
Đồng thời, lạm phát trong nước sẽ không tránh khỏi xu thế chung của toàn cầu là áp lực chi phí đẩy gia tăng, do căng thẳng chuỗi cung ứng kéo dài và giá hàng hóa quốc tế tăng cao. Giá dầu thế giới tác động trực tiếp đến lạm phát trong nước thông qua các mặt hàng như xăng dầu, dầu hỏa, khí gas, chiếm tổng tỷ trọng gần 6% trong chỉ số giá tiêu dùng. Theo đó, khi giá dầu tăng 10% & giả định giá trong nước tăng tương ứng thì tác động làm CPI tăng 0,6%.
Bên cạnh đó, tác động gián tiếp là chi phí đầu vào sản xuất kinh doanh gia tăng, dẫn tới áp lực đối với giá các mặt hàng khác. Bằng phân tích và kết hợp sử dụng mô hình định lượng, tác giả ước tính nếu như giá dầu thế giới tăng 10% thì tác động gián tiếp sẽ khiến lạm phát bình quân 12 tháng kế tiếp tăng thêm 0,14%.
Như vậy, có thể thấy diễn biến lạm phát Việt Nam trong năm 2022 vẫn đang có những yếu tố hỗ trợ nhất định khi so sánh với tương quan lạm phát toàn cầu. Tuy nhiên, trong bối cảnh áp lực nhập khẩu lạm phát quốc tế đang là rất lớn và áp lực cầu kéo trong nước cũng bắt đầu có sự phục hồi, nhiều khả năng lạm phát sẽ không còn có thể duy trì mặt bằng thấp như trong thời gian vừa qua.
Tổng Hợp