Kinh doanh bết bát, Bamboo Capital (BCG) trỗi dậy cùng thế lực bí ẩn của CEO đầy ‘tai tiếng’ Nguyễn Hồ Nam?
Liên tục có động thái lấn sân sang lĩnh vực tài chính, bảo hiểm giàu tiềm năng nhưng cũng đầy thách thức khiến giới đầu tư không khỏi tò mò về tình hình kinh doanh của Bamboo Capital. Một điểm đặc biệt trong báo cáo tài chính năm vừa qua là kết quả kinh doanh tăng vọt, nhưng số lợi nhuận “rơi” bên ngoài cũng tăng với tốc độ không kém.
Trong quý 4/2021, doanh thu từ hợp đồng xây lắp của BCG tăng đột biến, từ 13 tỷ đồng lên gần 409 tỷ đồng giúp công ty đạt 685 tỷ đồng doanh thu thuần, gấp 3,2 lần cùng kỳ. Thêm vào đó, lợi nhuận từ hoạt động tài chính cũng tăng 24% lên gần 275 tỷ đồng, chủ yếu nhờ lãi từ đầu tư cổ phiếu, trái phiếu và lãi phải thu theo hợp đồng hợp tác đầu tư. Kết quả này giúp lợi nhuận sau thuế của Bamboo Capital tăng lên 271 tỷ, so với mức 176,6 tỷ đồng cùng kỳ năm 2020.
Tuy nhiên, lãi ròng cho cổ đông (lợi nhuận sau thuế của cổ đông Công ty mẹ) lại giảm tới 41%, còn gần 98 tỷ đồng. Trong khi đó, phần lợi nhuận sau thuế cho cổ đông không kiểm soát tăng mạnh, gấp 15,3 lần cùng kỳ, lên gần 174 tỷ đồng. Con số này có nghĩa, những công ty con mang lại lợi nhuận cao cho Bamboo Capital không do công ty này chi phối hoàn toàn, thay vào đó là tỷ lệ sở hữu chỉ quanh ngưỡng 50-60%. Lũy kế cả năm 2021, lợi nhuận ròng của BCG đạt hơn 606 tỷ đồng, gấp 2,9 lần năm 2020 chủ yếu nhờ doanh thu thuần tăng 40% và lợi nhuận từ hoạt động tài chính gấp 2,4 lần. Với kế hoạch doanh thu 5.375 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế là 806 tỷ đồng được đề ra từ đầu năm, so với mục tiêu, BCG chỉ thực hiện được 48% chỉ tiêu doanh thu nhưng vượt 20% kế hoạch lợi nhuận năm.
Ngoài ra, một vấn đề khác với Bamboo Capital là dòng tiền. Dù lãi lớn nhưng doanh nghiệp này ghi nhận lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động kinh doanh tiếp tục âm nặng 9.315 tỷ đồng. Con số này tăng đột biến so với mức âm hơn 2.200 tỷ đồng của năm 2020. Để bù đắp sự thiếu hụt này, tương tự những năm gần đây, Bamboo Capital phải tìm kiếm dòng tiền từ hoạt động tài chính trong đó đi vay là chủ yếu. Thời điểm cuối năm 2021, nợ vay của công ty đã tăng đến 8.591 tỷ đồng so với đầu kỳ lên mức 13.171 tỷ đồng trong đó nợ dài hạn tăng đến gần 10.000 tỷ đồng còn nợ ngắn hạn chỉ giảm khoảng hơn 1.000 tỷ đồng. Việc dùng đòn bẩy tài chính không phải chuyện hiếm, nhưng liên tục mở rộng và tăng cao như Bamboo Capital lại là một câu chuyện khác. Liệu Bamboo Capital có thực sự đầu tư hay chỉ là cánh tay nối dài cho một “đại gia” nào đó?
Với giới tài chính, cái tên Nguyễn Hồ Nam không hề xa lạ. Ông sinh năm 1978 tại tỉnh Vĩnh Long, tốt nghiệp trường Đại học Kinh tế TP.HCM với tấm bằng cử nhân Tài chính – Ngân hàng năm 1999. Năm 2003, ông tiếp tục học thạc sĩ Tài Chính – Ngân hàng tại trường Đại học Monash (Úc). Ông Nguyễn Hồ Nam cùng những cộng sự của mình đã thành lập nên CTCP Thủ Phủ Tre, tiền thân của Bamboo Capital. Bước đi được nhiều người đánh giá là sự chuẩn bị cho việc rút lui khỏi SBS.
Ban đầu, công ty này chỉ hoạt động trên một số lĩnh vực như dịch vụ ngân hàng đầu tư, tư vấn M&A, huy động vốn và phát triển dự án. Sau thời gian hoạt động ổn định, CTCP Thủ Phủ Tre bắt đầu mở rộng sang các lĩnh vực nông nghiệp và thương mại.
Ba năm sau khi ông Nam rút lui khỏi SBS, Bamboo Capital bắt đầu lột xác. CTCP Thủ Phủ Tre chính thức đổi tên thành Công ty Cổ phần Bamboo Capital với số vốn điều lệ ban đầu là 43 tỷ đồng. Với sự nhạy bén trong đầu tư, ông Hồ Nam từng bước đưa Bamboo Capital trở thành doanh nghiệp đa ngành nghề có quy mô top đầu.
Đầu năm 2015, Bamboo Capital đã mua lại 68% vốn CTCP Đầu tư Phát triển Công nghiệp và Vận tải (Tracodi, TCD) từ SCIC, một doanh nghiệp có thế mạnh trong lĩnh vực dịch vụ hậu cần và sở hữu nhiều quỹ đất. Sau khi tiếp quản Tracodi từ tháng 4/2015 Bamboo Capital đã tái cấu trúc lại hoạt động, đồng thời đẩy doanh nghiệp này lên sàn ngay sau đó. Mạng lưới các công ty thành viên của Bamboo Capital liên tục mở rộng những năm sau đó với các thương vụ đầu tư được thực hiện dưới sự dẫn dắt của ông Hồ Nam. Đến năm 2019, BCG hợp nhất các danh mục đầu tư, chia lại hoạt động tập trung vào 4 mảng chính gồm: Sản xuất & Nông nghiệp, Phát triển hạ tầng & Bất động sản, Xây dựng & Thương mại, Năng lượng tái tạo.
Tại lĩnh vực bất động sản, Bamboo Capital đang sở hữu nhiều dự án quy mô lớn như: dự án Hội An D’or Quảng Nam, dự án Malibu Hội An, dự án căn hộ cao cấp thương mại dịch vụ King Crown Infinity. Trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, Bamboo Capital đã đầu tư vào các dự án nghìn tỷ như dự án điện mặt trời tại Phù Mỹ, Bình Định với tổng mức đầu tư hơn 6.000 tỷ đồng, dự án nhà máy năng lượng mặt trời BCG-CME Long An 1 với quy mô hơn 1.000 tỷ đồng.
Tài chính là cái tên làm nên tên tuổi của ông Hồ Nam, nhưng mới được đẩy mạnh trong hai năm gần đây. Tại Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên 2021 lần 2 diễn ra ngày 15/02, thượng tầng của Eximbakn đã có nhiều thay đổi, trong đó đáng chú ý có sự xuất hiện của lãnh đạo cấp cao Bamboo Capital. Trước đó, Bamboo Capital đã liên tục có động thái mở rộng hoạt động lĩnh vực này với việc thành lập BCG Financial, đầu tư vào CTCP Chứng khoán Thủ đô (CASC), mua lại CTCP Bảo hiểm AAA. Đến cuối năm 2021, tổng tài sản của BCG tăng mạnh 57% so với đầu năm, lên gần 37.812 tỷ đồng.
Năm 2006, ông Hồ Nam bắt đầu xuất hiện trong giới tài chính khi về đầu quân cho Công ty TNHH MTV Chứng khoán Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (SBS). Công ty này được thành lập vào tháng 9/2006 với vốn điều lệ 300 tỷ đồng, thời điểm đó là công ty trực thuộc một Ngân hàng TMCP lớn trong TP. HCM.
Ngân hàng giai đoạn 2006-2009 là một trong những ngân hàng thương mại cổ phần trong top đầu, xét về cả quy mô hoạt động và vị thế, dưới sự dẫn dắt của ông Đặng Văn Thành. Bởi thế, SBS là cái tên thu hút sự chú ý ngay khi thành lập. Một năm sau (2007), ông Thành cũng xuất hiện tại SBS với vị trí Chủ tịch Hội đồng quản trị.
Đến tháng 1/2010, SBS chính thức chuyển đổi thành công ty cổ phần với vốn điều lệ 1.100 tỷ đồng, vị trí Chủ tịch Hội đồng quản trị được chuyển lại cho ông Nguyễn Hồ Nam.
Mặc dù được hậu thuẫn bởi một trong những ngân hàng top đầu thị trường, bản thân ông Nam cũng được đánh giá là người có năng lực, song tình hình kinh doanh của SBS thời điểm này bắt đầu đi xuống. Lãi ròng SBS năm 2010 giảm đến 61% so với 1 năm trước đó, còn 101 tỷ đồng. Bước sang năm 2011, SBS báo lỗ sau thuế năm đầu tiên kể từ khi thành lập, với con số lỗ lên tới 1.654 tỷ đồng.
Trước kết quả kinh doanh kém khả quan, giữa năm 2011, ông Hồ Nam đã hai lần thay đổi tỷ lệ sở hữu tại SBS nhằm trấn an nhà đầu tư và cổ đông. Trước đó, một điểm khá lạ là ông và các thành viên khác của HĐQT không sở hữu nhiều cổ phiếu.
Tháng 6 và 7/2011, ông Nam mua vào 44.000 cổ phiếu, tăng sở hữu lên 0,34%. Tuy nhiên, chỉ một năm sau đó, ông từ nhiệm và rút lui khỏi CTCP Chứng khoán Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (SBS), đồng thời bán sạch cổ phiếu.
Một điểm cần chú ý là sự thua lỗ SBS giai đoạn đó và sự rời đi của ông Nam gắn liền với biến động tại “thượng tầng” tại của ngân hàng mẹ này. Tháng 5/2012, Chủ tịch HĐQT là ông Đặng Văn Thành “thoái lui” khỏi ngân hàng này.
Tổng Hợp