Tối 24/3, bà Nguyễn Phương Hằng đã bị khởi tố, bắt tạm giam về hành vi Lợi dụng quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích của cá nhân. Vậy các công ty trong hệ sinh tái Đại Nam có quy mô “khủng” như thế nào, làm ăn ra sao?
Đại Nam cũng là chủ đầu tư các khu công nghiệp Sóng Thần 1, 2 và 3 tại địa phương này. 3 khu công nghiệp này lần lượt có tổng vốn đầu tư 245 tỷ đồng, 423 tỷ đồng và 936 tỷ đồng, tương ứng diện tích 178 ha, 313 ha và 534 ha.
Năm 2021, Công ty Cổ phần Đại Nam đã thế chấp 309 Giấy chứng nhận Quyền sử dụng đất (sổ đỏ) dự án Khu nhà ở Đại Nam (phường Phú Tân, TP Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương) tại Văn phòng Đăng ký đất đai tỉnh Bình Dương. Nội dung này được thể hiện rõ trong văn bản số 318/VPĐKĐĐ&CGCN ngày 2/2/2021 của Văn phòng Đăng ký đất đai tỉnh Bình Dương gửi Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh về việc cung cấp danh sách chủ đầu tư đã thế chấp dự án đầu tư xây dựng nhà ở.
Ngoài ra, doanh nghiệp còn đầu tư các dự án Khu đô thị Trung tâm Hành chính TP Dĩ An, Khu nhà ở Đại Nam, Khu nhà ở Sóng Thần, Khu đô thị Thương mại Dịch vụ Sóng Thần, Khu dân cư Tân An 2 cùng nhiều dự án bất động sản khác. Nắm trong tay quỹ đất rộng lớn, doanh nghiệp của vợ chồng ông Dũng, bà Hằng riêng trong năm 2020 đã đóng hơn 1.200 tỷ đồng tiền sử dụng đất vào ngân sách Nhà nước. Con số này tương đương 15% tổng nguồn thu từ đất trên địa bàn tỉnh Bình Dương.
Công ty Cổ phần Đại Nam được thành lập vào tháng 3/1996, ngành nghề kinh doanh chính là bất động sản. Doanh nghiệp này nổi tiếng với dự án Khu du lịch Đại Nam rộng 450 ha tại tỉnh Bình Dương. Dự án này khởi công năm 1999 và mất gần 10 năm mới hoàn thành để bắt đầu đón khách.
Ngoài Công ty Cổ phần Đại Nam, bà Nguyễn Phương Hằng còn tham gia cùng chồng tại nhiều doanh nghiệp khác.
Giai đoạn 2016-2018, nguồn thu của Công ty Cổ phần Đại Nam tăng trưởng đều hàng năm. Năm 2016, doanh thu thuần của chủ sở hữu khu du lịch Lạc Cảnh Đại Nam Văn Hiến ở mức 373 tỷ đồng, lãi gộp 320 tỷ đồng, tương ứng với biên lợi nhuận gộp 86% (cao so với một số doanh nghiệp cùng ngành). Tuy nhiên, công ty báo lỗ sau thuế 51 tỷ đồng. Sang năm 2017, nguồn thu của công ty tăng 9%, lên mức 405 tỷ đồng. Lợi nhuận gộp tương ứng là 371 tỷ đồng. Dẫu vậy, doanh nghiệp vẫn không thoát khỏi cảnh thua lỗ khi lợi nhuận sau thuế âm tới 105 tỷ đồng.
Bà Hằng là cổ đông sáng lập nắm giữ 20%, tương phần vốn góp cổ phần tại Công ty Glove Đại Nam. Doanh nghiệp này thành lập vào tháng 9/2020 với ngành nghề chính là sản xuất găng tay, vốn điều lệ 180 tỷ đồng, do ông Dũng “lò vôi” làm Chủ tịch. Bản thân ông Dũng sở hữu 30% cổ phần Glove Đại Nam.
Đến năm 2018, Đại Nam ghi nhận doanh thu thuần ở mức 454 tỷ đồng, tăng 49 tỷ đồng so với năm trước đó. Lợi nhuận gộp và lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp cũng được cải thiện, lần lượt đạt 438 tỷ đồng và âm 84 tỷ.
Đáng chú ý, năm 2019 chứng kiến sự lao dốc nghiêm trọng về kết quả kinh doanh của Công ty Cổ phần Đại Nam. Trong khi nguồn thu giảm 10% về 409 tỷ đồng, xấp xỉ năm 2017, lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp âm đến 154 tỷ đồng. Tính trung bình, chủ khu du lịch lớn nhất Bình Dương mỗi ngày làm ăn thua lỗ 422 triệu đồng. Lúc này, lỗ lũy kế của Công ty Cổ phần Đại Nam đã lớn hơn vốn điều lệ 195 tỷ đồng. Tại thời điểm 31/12/2019, tổng cộng nguồn vốn công ty của ông Dũng “lò vôi” đạt 4.475 tỷ đồng, trong đó nợ ngắn hạn là 755 tỷ đồng, nợ dài hạn 3.915 tỷ đồng.
Trước đó, tháng 10/2020, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bình Dương cũng đã công khai danh sách 29 sổ đỏ dự án Khu nhà ở Đại Nam đang được Công ty Cổ phần Đại Nam thế chấp tại tại Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam – Chi nhánh Bình Dương theo hồ sơ số 2629 – 2630.
Dự án khu nhà ở Đại Nam có quy mô 105,8 ha với tổng vốn đầu tư hơn 2.300 tỷ đồng. Dự án được Quyết định phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500 số 2717/QĐ-UBND ngày 9/10/2017, Quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư số 2862/ QĐ-UBND ngày 12/10/2018.
Với vị trí đắc địa nằm trong tổng thể Khu liên hợp Công nghiệp – Dịch vụ – Đô thị Bình Dương, dự án từng được kỳ vọng sẽ trở thành nơi đáng sống và đầu tư sinh lợi bậc nhất tại Bình Dương cho khoảng 20.000 người. Thế nhưng, tháng 5/2019, thời điểm vừa bắt đầu thực hiện thi công dự án, Công ty Cổ phần Đại Nam bị Thanh tra Sở Xây dựng ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính vì xây dựng không phép. Đến hiện tại, sau nhiều năm triển khai, dự án vẫn trong tình trạng “vườn không nhà trống”.
Ngoài dự án Khu nhà ở Đại Nam, một dự án khác mang tên Khu dân cư Đại Nam của Công ty Cổ phần Đại Nam tại mặt tiền đường quốc lộ 13 (thị Trấn Minh Hưng, huyện Chơn Thành, tỉnh Bình Phước) cũng rơi vào cảnh “đắp chiếu” nhiều năm do không có người ở. Dự án được UBND tỉnh Bình Phước ban hành Quyết định số 1094/QĐ-UBND về việc phê duyệt đồ án và quy định quản lý theo đồ án quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 vào tháng 6/2018.
Với quy mô 96,7ha (2.459 căn nhà phố và biệt thự, 4 trường mẫu giáo, 1 trường PTTH), dự án từng được kỳ vọng sẽ trở thành nơi đáng sống và đầu tư sinh lợi bậc nhất tại Bình Phước cho khoảng 12.000 người. Thế nhưng, ghi nhận thực tế, sau gần 4 năm triển khai hiện dự án bao trùm vẻ hiu hắt, không một bóng người. Cơ sở hạ tầng xuống cấp trầm trọng. Một số đoạn vỉa hè trong đường nội khu bị bong tróc, tiện ích cây xanh chết héo, phế liệu chất đống. Dự kiến 2.459 căn nhà phố và biệt thự sau khi triển khai sẽ tạo sự sầm uất cho khu dân cư, thế nhưng khung cảnh hoang vu, đầy cỏ khô, không một cư dân nào sinh sống khiến nhiều người thất vọng.
Vợ chồng ông Dũng bà Hằng cũng đồng sáng lập Công ty Cổ phần Xử lý nước thải Hằng Hữu Huỳnh cuối năm 2018 với vốn điều lệ 99 tỷ đồng. Mỗi người sở hữu 15% cổ phần doanh nghiệp.
Bà Nguyễn Phương Hằng được biết đến là nữ đại gia giàu có với bộ sưu tập kim cương khủng khiến ngay cả những “dân chơi” như ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng cũng từng phải nhắc đến. Trong các buổi livestream trên mạng suốt thời gian qua, nữ CEO Đại Nam cũng không ngần ngại khoe tiền bạc và kim cương đang sở hữu. Mỗi lần lên sóng, bà Phương Hằng tay đeo đầy nhẫn kim cương, cổ đeo dây chuyền, hoa tai, đồng hồ… hầu hết các trang sức đều gắn kim cương.
Tổng Hợp