Ngoài thuế phí, các chuyên gia cũng đánh giá, cần tái cấu trúc lại ngành xăng dầu, loại bỏ những điều vô lý trong công tác điều hành như áp lợi nhuận định mức, doanh nghiệp có sự chủ động hạch toán kinh doanh, nguồn cung…
Chiều 23/3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua nghị quyết về giảm thuế bảo vệ môi trường. Qua đó, giảm 2.000 đồng/lít xăng, 1.000 đồng/lít dầu diesel, dầu mazut, dầu nhờn.
Thường vụ Quốc hội đồng ý giảm thuế bảo vệ môi trường mức đề nghị của Quốc hội. Chính sách điều chỉnh được áp dụng từ 1/4 đến 31/12/2022. Từ ngày 1/1/2023, mức thuế này sẽ thực hiện theo quy định hiện hành tại nghị quyết số 579 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Trước đó, ngày 21/3, giá xăng lần đầu tiên giảm sau 6 lần tăng liên tiếp kể từ đầu năm 2022. Sau điều chỉnh, giá xăng E5 RON 92 là 28.330 đồng/lít (giảm 650 đồng); RON 95 là 29.190 đồng/lít (giảm 630 đồng).
Theo PGS. TS Đinh Trọng Thịnh, Giảng viên cao cấp Học viện Tài chính nêu quan điểm, Bộ Tài chính nên cân nhắc xem xét giảm thêm thuế nhập khẩu hoặc tạm miễn thuế tiêu thụ đặc biệt đến 31/12/2022. Theo vị chuyên gia phân tích, mức giảm hiện nay do Bộ Tài chính đang đề xuất là cố định. Trong khi đó, phương án miễn, giảm các loại thuế tính trên tỉ lệ % giá thành sẽ bảo đảm tính linh hoạt và khả năng tác động tới các yếu tố vĩ mô của nền kinh tế hơn.
Ngoài ra, nếu nguồn thu từ các loại thuế, phí cố định trên giá xăng dầu bị giảm do các chính sách điều tiết mới, thì sẽ được cân đối một phần bởi nguồn thu từ dầu thô xuất khẩu. “Việt Nam vừa nhập khẩu xăng dầu nhưng lại là nước xuất khẩu dầu thô nên khá trung lập về nguồn thu. Thực tế, nguồn thu từ dầu thô từ đầu năm cho đến nay tăng hơn 2 lần so với cùng kỳ”, ông Thịnh nói.
Theo Bộ Tài chính, giá bán lẻ xăng dầu trong nước hiện thấp hơn so với mặt bằng chung của nhiều nước trong khu vực. Tại Trung Quốc, xăng 26.611 đồng/lít, tại Lào 30.665 đồng/lít và Campuchia có giá bán 26.184 đồng/lít. Trong báo cáo 1235 được Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên ký gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội hôm 14-3, tổng nguồn cung xăng dầu cho thị trường trong nước năm 2021 khoảng 20,5 triệu m3, trong đó sản xuất trong nước khoảng 14,27 triệu m3, chiếm khoảng 70% nhu cầu, nhập khẩu khoảng 6,3 triệu m3.
Theo kế hoạch năm 2022, tổng nguồn cung nhỉnh hơn một chút với mức 20,7 triệu m3, còn sản lượng nhập khẩu ước khoảng 6,282 triệu m3. Điều này cho thấy năng lực sản xuất xăng dầu trong nước đã được cải thiện, bất chấp những khó khăn vừa xảy ra tại Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn.
Theo Bộ Tài chính, xăng dầu là nguyên liệu đầu vào của hầu hết các ngành sản xuất, trong nền kinh tế, đặc biệt là nhóm ngành huyết mạch như giao thông vận tải, điện… Đây cũng là nhóm mặt hàng đặc biệt quan trọng, thiết yếu có tác động mạnh đến hoạt động sản xuất – kinh doanh và đời sống của người dân.
Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay, nhất là từ tháng 2, giá xăng dầu thế giới tăng cao khiến giá bán lẻ xăng dầu trong nước tăng liên tiếp với 6 lần. Theo ý kiến các chuyên gia, nếu tuân theo cơ chế thị trường một cách tuyệt đối, giá xăng dầu thế giới tăng thì giá xăng dầu trong nước chắc chắn cũng phải tăng tương ứng, nhất là khi nguồn nhập khẩu chiếm tới 30% tổng mức tiêu thụ.
Tổng Hợp