Về bản chất, giá nguyên vật liệu, giá xăng dầu chỉ tác động tới giá bất động sản nhà ở, như nhà phố, biệt thự hay chung cư. Sự tăng giá của nhiên, nguyên vật liệu chỉ là giọt nước tràn ly khiến giá bất động sản không ngừng tăng.
Tuy nhiên, trên thực tế, đất nền lại là phân khúc có đà tăng mạnh nhất, cho dù phân khúc này không phải gánh chi phí nhiên liệu, nguyên vật liệu tăng cao.
TS Sử Ngọc Khương, Giám đốc cấp cao Savills Việt Nam cho hay, nếu lạm phát xảy ra do tăng trưởng kinh tế (lạm phát cầu kéo), nhu cầu bất động sản sẽ được đẩy lên và giúp làm tăng giá trị của bất động sản.
Trường hợp lạm phát được hình thành bởi các chi phí như nguyên vật liệu, chi phí lao động tăng (lạm phát chi phí đẩy) sẽ dẫn đến hạn chế nguồn cung bất động sản. Lạm phát do chi phí đẩy cũng khó dự đoán, thường do các biến cố không lường trước được như về môi trường, địa chính trị…
Theo ông Khương, trước những biến động như chiến tranh, dịch bệnh, khủng hoảng tài chính, có 3 kênh trú ẩn tài sản lớn là dầu mỏ, kim loại quý và bất động sản.
Khi tỷ lệ lạm phát có xu hướng tăng do những bất ổn về chiến tranh, kinh tế chính trị thế giới, nguồn tài chính đầu tư vào bất động sản được xem là một phương án giúp bảo toàn dòng vốn trước rủi ro, tránh sự bất ổn định ở những kênh đầu tư khác.
“Về kinh tế học khi lạm phát xảy ra, thị trường sẽ ghi nhận dòng tiền đổ mạnh vào kênh đầu tư bất động sản, nơi được mệnh danh là “trữ tiền an toàn”. Nếu mua một căn nhà với giá 1 tỷ đồng, khi lạm phát xảy ra, giá sẽ tăng lên 1,2 – 1,5 tỷ đồng”, ông Khương nói.
Tuy nhiên, ông Khương cảnh báo, trong bối cảnh phức tạp như hiện nay, giới đầu tư nên cân nhắc kỹ lưỡng khi sử dụng các đòn bẩy tài chính, tránh lặp lại tình trạng “chết trên đống tài sản” đã từng xảy ra trong quá khứ.
Giám đốc cấp cao Savills phân tích, khi lạm phát diễn ra, mặc dù giá bất động sản tăng lên nhưng thị trường không có khả năng mua, tính thanh khoản không có. Đồng thời, nhiều nhà đầu tư cũng dùng các đòn bẩy tài chính để đầu tư bất động sản, khiến tài sản có thanh khoản thấp trở thành một gánh nặng lớn cho họ cũng như gây áp lực lên hệ thống ngân hàng.
Bà Thu Trang, giám đốc một sàn giao dịch bất động sản tại Hà Nội chia sẻ: Trước kia, để đầu tư bất động sản, nhà đầu tư cần phải có một lượng tiền mặt đủ lớn. Tuy nhiên, thời điểm này, ngay cả những nhà đầu tư không có thể mạnh về tài chính, cũng có thể tham gia vào thị trường.
Đơn cử, có một số bộ phận nhà đầu tư sử dụng các đòn bẩy tài chính, mục đích là lướt sóng bất động sản. Khi đủ lợi nhuận là bán luôn, không “om” lâu. Hoặc cũng có một số nhóm nhà đầu tư, góp vốn chung để cùng “lướt” bất động sản. “Cũng vì lượng nhà đầu tư ngày càng đổ dồn vào bất động sản, đã khiến thị trường có hiện tượng dễ tăng, khó giảm. Đây là quy luật khá đặc thù của thị trường bất động sản Việt Nam”, và Trang nói.
Tổng Hợp