Bất động sản dần “chiếm sóng” lĩnh vực cốt lõi Tiềm năng rộng mở của thị trường bất động sản thu hút nhiều doanh nghiệp ngoài ngành.
xu hướng mở rộng đầu tư của các doanh nghiệp ngoài ngành vào lĩnh vực bất động sản đã diễn ra trong một vài năm qua và là tín hiệu đáng mừng cho thị trường địa ốc nói riêng, các ngành công nghiệp phụ trợ như sản xuất vật liệu xây dựng, nội thất, tài chính… nói chung. Theo quy luật, ở nơi nào hấp dẫn thì nơi đó cạnh tranh cũng hết sức khốc liệt và sự đào thải sẽ diễn ra với bất cứ doanh nghiệp nào nếu không có đủ tiềm lực.
Chẳng hạn, Alpha King là một tập đoàn bất động sản quốc tế, chuyên phát triển các dự án phức hợp, bao gồm cả cao ốc văn phòng hạng A…, nhưng đã phải âm thầm rời thị trường và sang nhượng lại hầu hết các khu “đất vàng” tại TP.HCM cho các doanh nghiệp khác.
Gia nhập thị trường Việt Nam vào năm 2018, Alpha King từng “làm mưa, làm gió” khi công bố mua lại và triển khai hàng loạt dự án bất động sản lớn tại TP.HCM. Tuy nhiên, sau những ồn ào liên quan tới thông tin hợp tác với những đối tác lớn như Coteccons, CBRE… để triển các khai dự án, mọi thứ im lặng dần. Đến nay, các dự án The Centennial Saigon, Alpha City, Alpha Town… của tập đoàn bất động sản này đều đã về tay chủ mới.
Trước đó, câu chuyện Công ty cổ phần Dịch vụ tổng hợp Dầu khí Thăng Long, chuyên kinh doanh xăng dầu, công bố lấn sân sang lĩnh vực bất động sản bằng việc “thay tên đổi họ” thành Công ty cổ phần Landmark Holdings với dự án Thành An Tower tại số 21 Lê Văn Lương (quận Thanh Xuân, Hà Nội) từng gây nhiều chú ý, nhưng rồi cũng ngậm ngùi rút khỏi dự án cũng như mảng bất động sản khi còn nắm giữ hàng trăm tỷ đồng từ khách hàng mua nhà tại dự án.
Trong khi nhiều doanh nghiệp “tay ngang” tập trung vào các dự án nhà ở, Công ty cổ phần Sản xuất kinh doanh và Xuất nhập khẩu Bình Thạnh (Gilimex) lại hướng đến bất động sản công nghiệp. Theo thông tin từ Gilimex, định hướng trong năm 2022 là tập trung giải phóng mặt bằng và xây dựng hạ tầng Khu công nghiệp Gilimex tại Thừa Thiên Huế quy mô 460,8 ha, tổng vốn đầu tư 2.614 tỷ đồng. Hiện dự án đã xin được giấy phép đầu tư.
Ngoài phát triển khu công nghiệp, Ban lãnh đạo Gilimex còn có tham vọng phát triển quỹ đất để lập chuỗi khách sạn, nhà ở phục vụ nhu cầu lưu trú đang tăng nhanh tại những địa phương đẩy mạnh phát triển công nghiệp như TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Bắc Ninh, Hải Phòng…
Tính đến cuối năm 2021, Gilimex có 4 thành viên (sở hữu 100% vốn điều lệ) hoạt động trong lĩnh vực bất động sản gồm Công ty cổ phần Bất động sản Gia Định, Công ty cổ phần Bất động sản Hưng Khang, Công ty cổ phần Đầu tư hạ tầng BT và Công ty TNHH Lưu Công Hiệu. Trong “hệ sinh thái” Gilimex hiện tại, 9/13 công ty con và công ty liên kết hoạt động trong các lĩnh vực bất động sản công nghiệp, thiết bị xây dựng, chiếu sáng, kim khí…, bên cạnh ngành nghề cốt lõi là dệt may.
Những thông tin về Thành phố Cà phê – dự án đắt giá nhất Tây Nguyên, của “ông vua” cà phê Việt Đặng Lê Nguyên Vũ thời gian gần đây cũng thu hút sự chú ý từ thị trường. Bắt đầu triển khai năm 2017, nhưng tới tháng 3/2021, dự án quy mô 45,45 ha tọa lạc tại trung tâm TP. Buôn Ma Thuột này mới chính thức ra mắt thị trường với mức giá chào bán từ 7-10 tỷ đồng/căn nhà phố thiết kế 1 trệt 3 lầu. Thông tin từ chủ đầu tư cho biết, trong đợt mở bán đầu tiên vào năm ngoái, gần như toàn bộ sản phẩm được bán hết sau 80 phút mở bán và tới nay, giá đã tăng tới gần 50%.
Mở rộng quy mô theo hướng đa ngành, trong đó có bất động sản, cũng là chiến lược kinh doanh được Công ty cổ phần Dệt may Thành Công (TCM) hướng đến. Chia sẻ về lĩnh vực kinh doanh mới, lãnh đạo TCM cho biết, Công ty đang cùng với các đối tác đẩy nhanh quá trình hoàn thiện thủ tục pháp lý dự án TC Tower tại 37 Tây Thạnh, quận Tân Phú, TP.HCM để có thể khởi công trong thời gian sớm nhất. Dự án này gồm 3 tòa nhà với 650 căn hộ chung cư, giá bán trung bình 40 triệu đồng/m2.
Tổng Hợp