Trước biến động rất lớn từ thị trường xăng dầu thế giới, xăng dầu trong nước lập đỉnh liên tục về giá. “Cao nhất 8 năm”, “cao nhất 9 năm”… rồi “lập đỉnh lịch sử” là những cụm từ đi liền với giá xăng.
Cũng sau phiên điều chỉnh lịch sử đưa giá xăng lên sát mốc 30.000 đồng/lít thì xăng trở thành “tâm điểm” bàn luận ở khắp mọi nơi. Trên mạng xã hội, hàng loạt ảnh chế thể hiện mức độ xa xỉ của xăng xuất hiện. Nhiều bạn trẻ thi nhau chụp ảnh, “check in” cây xăng ven đường. Những cây xăng ven đường trở thành địa điểm “hot”. Thậm chí trên mạng xã hội còn xuất hiện hình ảnh vợ chồng trẻ chụp ảnh cưới ở cây xăng.
Một tín hiệu tích cực hơn cho người tiêu dùng đó là tuần qua giá dầu thế giới đã giảm xuống dưới mốc 100 USD/thùng. Dù sau đó giá dầu lấy lại đà tăng do lo ngại gia tăng gián đoạn nguồn cung mấy ngày gần đây nhưng nhìn chung cả chu kỳ 10 ngày thì xu hướng giảm giá vẫn chủ yếu (theo quy định hiện hành cứ 10 ngày điều chỉnh giá một lần).
Giá thế giới là cơ sở để tính giá trong nước. Khi giá thế giới giảm, giá xăng dầu trong nước dự báo cũng sẽ vào kỳ điều chỉnh ngày mai (21/3). Theo dữ liệu cập nhật của Bộ Công Thương, giá xăng thành phẩm bình quân trên thị trường Singapore là 120,19 USD/thùng đối với xăng RON 92 và 124,12 USD/thùng đối với RON 95.
Tương tự, giá các loại dầu cũng giảm mạnh. Dầu diesel nhiều thời điểm về mốc 111 USD/thùng trong khi kỳ trước có thời điểm vọt lên 176 USD/thùng.người tiêu dùng cũng đang trông chờ vào việc giảm giá xăng dầu thông qua việc hạ thuế bảo vệ môi trường sắp tới. Cụ thể, để hạ nhiệt giá xăng dầu, Chính phủ đề nghị giảm thuế bảo vệ môi trường 2.000 đồng với mỗi lít xăng, 1.000 đồng với dầu diesel, dầu mazut, dầu nhờn, mỡ nhờn và 700 đồng với dầu hỏa. Nếu được Thường vụ Quốc hội thông qua, việc áp dụng dự kiến có hiệu lực từ 1/4. Theo đó, mỗi lít xăng dự kiến giảm 2.200 đồng (gồm VAT) và giá dầu cũng được điều chỉnh 1.100 đồng.
Kết luận tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn ngành công thương mới đây, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ lưu ý việc điều hành giá phải bám sát diễn biến thị trường thế giới, đảm bảo hài hòa lợi ích 3 bên từ Nhà nước, người dân, doanh nghiệp.
Khi giá xăng dầu lên cao thì cần tiếp tục rà soát, điều chỉnh thuế phí, yếu tố cấu thành giá cơ sở, định mức hao hụt… phù hợp với tình hình thực tiễn. Việc sử dụng quỹ bình ổn cần linh hoạt phù hợp, ổn định đời sống người dân, kiềm chế lạm phát.
Chủ tịch Quốc hội cũng nhấn mạnh, nếu giá tiếp tục diễn biến tăng cao thì ngoài kết hợp sử dụng quỹ bình ổn và giảm thuế thì cần sử dụng công cụ khác để bình ổn thị trường, hỗ trợ người dân, ví dụ như hỗ trợ cho các ngư dân, người nghèo, người có thu nhập thấp.
Dễ lý giải vì sao giá xăng dầu luôn được quan tâm mỗi khi có biến động, bởi đây là mặt hàng mà đại đa số người dân ai cũng phải sử dụng. Chưa kể, xăng dầu còn là nguyên liệu đầu vào thiết yếu cho rất nhiều lĩnh vực khác, nếu tăng sẽ tác động rất lớn tới đời sống của người dân, đẩy giá hàng hóa lên cao, tăng áp lực lên lạm phát.
Sau các đợt điều chỉnh giá xăng gần đây, nhiều gia đình đã buộc phải điều chỉnh lại vấn đề chi tiêu khi rơi vào cảnh “giá hàng hóa tăng nhưng lương không tăng”.
Một chuyên gia về giá tính toán, giá xăng dầu tăng thì tác động bao trùm nhất đối với tăng trưởng GDP. Theo đó, nếu giá xăng dầu tăng 10% thì GDP sẽ giảm 0,5%. Còn đối với tiêu dùng, các hộ gia đình không chỉ phải trả tăng thêm chi tiêu về xăng dầu cho việc đi lại hàng ngày 10% mà còn bị tác động thêm bất lợi kép khi giá cả hàng hóa tiêu dùng tăng do tác động của giá xăng dầu tăng.
Tổng Hợp