“Sốt ảo giá đất đi đôi với hoạt động đầu cơ đang có dấu hiệu quay trở lại ngay trong 2 tháng đầu năm nay cần được các địa phương quan tâm xử lý quyết liệt, kịp thời”, ông Lê Hoàng Châu – Chủ tịch HoREA – nêu.
Theo ông Châu, cần có phương án xử lý kịp thời tình trạng gây nhiễu loạn thị trường từ “đầu nậu”, “cò đất, cò nhà”, doanh nghiệp “bất lương” để ngăn chặn các hệ quả tiêu cực đến sự phát triển lành mạnh, ổn định, bền vững của thị trường bất động sản.
Chỉ ra một trong những nguyên nhân gây nên các cơn sốt cục bộ là việc thiếu hụt nguồn cung, nhiều ý kiến đề nghị sớm giải quyết nút thắt này để tháo gỡ cho thị trường. “Mâu thuẫn lớn nhất của thị trường bất động sản hiện nay và trong những năm tiếp theo là tình trạng lệch pha cung – cầu”, ông Lê Hoàng Châu nhận định.
Tại một diễn đàn về bất động sản vừa diễn ra, ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam, cho biết bên cạnh những thuận lợi, thị trường Việt Nam vừa qua phải đối mặt với không ít khó khăn. “Những vướng mắc pháp lý của bất động sản đang cản trở nhất định về nguồn cung trên thị trường. Chưa kể, năm 2021 còn xuất hiện rất nhiều “hàng giả, hàng lậu”, như bất động sản phân lô bán nền không phù hợp, các đợt sốt giá tiềm ẩn nguy cơ bong bóng bất động sản”, ông Đính nói.
Cũng theo vị chuyên gia này, dù giao dịch bất động sản vẫn khá sôi động trong đầu năm nay song về dài hạn, chúng ta vẫn phải đối mặt với nhiều lo ngại. Cụ thể, ông Đính cho rằng lạm phát đẩy giá bất động sản tăng lên nên “bất động sản năm 2022 sẽ khá khắc nghiệt”.
Để gỡ khó cho thị trường, ông Đính kiến nghị đẩy mạnh việc tháo gỡ những vướng mắc về thủ tục pháp lý, giúp doanh nghiệp bất động sản dễ dàng phát triển hơn trong năm nay.
Ý thức được sự nghiêm trọng của vấn nạn tự ý mở đường, phân lô, xây nhà trái phép trên đất nông nghiệp, thời gian qua, chính quyền các cấp 2 tỉnh Đắk Lắk và Gia Lai đã liên tục mạnh tay xử lý các trường hợp vi phạm. Thậm chí có trường hợp vi phạm đã bị cưỡng chế tháo dỡ công trình, xử lý hành chính. Ngoài ra, nhiều cán bộ địa phương cũng liên đới bị xem xét xử lý kỷ luật lẫn truy cứu trách nhiệm hình sự nhưng hiệu quả đạt được vẫn là dấu hỏi lớn, cần thời gian trả lời.
Ông Vũ Văn Hưng – Chủ tịch UBND TP.Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) – cho biết: “Trước thực trạng, một số UBND xã, phường trên địa bàn để xảy ra xây nhà trái phép trên đất nông nghiệp, phân lô bán nền, thành phố sẽ xử lý kỷ luật tùy theo mức độ nặng nhẹ và trước mắt phải khắc phục vi phạm hành chính. Tức là những công trình xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp nhưng không phù hợp với quy hoạch thì ngoài việc xử phạt hành chính thì phải khôi phục lại hiện trạng ban đầu”.
Tại Gia Lai, để mạnh tay với phân lô bán nền, làm trái quy định của nhà nước, phá vỡ quy hoạch, thời gian gần đây, cơ quan chức năng tỉnh đã tiến hành khởi tố nhiều vụ án hình sự thu hút sự quan tâm của dư luận.
Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cho rằng, những sản phẩm từ tình trạng phân lô bán nền tràn lan chính là nguồn cơn đẩy giá, tăng giá tạo ra “sốt đất”. Các sản phẩm này mang đến nhiều hệ lụy trong quản lý và nhất là quản lý về tính ổn định, bền vững của thị trường.
“Thị trường chỉ bền vững khi phát triển dự án phù hợp quy hoạch, chiến lược phát triển kinh tế, công ăn việc, ổn định cho người dân địa phương và địa phương thẩm định, phê duyệt”, ông Đính nói.
Cũng theo ông, tình trạng phân lô bán nền tràn lan còn ảnh hưởng lớn đến công tác quy hoạch. Cụ thể như sẽ vướng nhiều khi triển khai quy hoạch mới, đặc biệt là những địa phương chưa có quy hoạch, hay người dân chuyển đổi mục đích đất ở nhiều, tăng đột biến về dân số… thì khi triển khai quy hoạch dự án, kêu gọi, thu hút đầu tư vào địa phương rất khó khăn.
Tổng Hợp