Việc gián đoạn nguồn cung khiến giá cả các mặt hàng cơ bản trên thế giới liên tục leo thang trong thời gian qua đã gây áp lực lớn lên chỉ số lạm phát.
Giá hợp dầu thế giới tăng lên vùng 120 USD/thùng khiến giá xăng trong nước điều chỉnh 5 – 6 lần từ đầu năm 2022 lên mức gần 30.000 đồng/lít. Các mặt hàng lương thực như lúa mỳ, ngô, đậu nành trên thị trường thế giới cũng ghi nhận mức tăng nóng từ 30-70%, phân bón tăng 30% gây áp lực lớn lên ngành nông nghiệp, chăn nuôi.
Ngoài ra, giá các nguyên liệu đầu vào cho sản xuất như thép, đồng cũng ghi nhận mức tăng 30%, niken tăng 150% so với đầu năm 2022. Việc Việt Nam tăng trưởng lệch pha so với các nền kinh tế phát triển trên thế giới tạo ra sự khác biệt chính sách giữa 2 bên. Tình trạng các Ngân hàng trung ương lớn trên thế giới nâng lãi suất có thể khiến dòng vốn quốc tế rút ra khỏi Việt Nam, áp lực tỷ giá tăng cao khiến các giá các mặt hàng nhập khẩu tăng cao, đặc biệt trong bối cảnh nước ta là một nền kinh tế có độ mở lớn (hơn 200%) sẽ gây ra nhập khẩu lạm phát.
Áp lực lạm phát do giá cả hàng hóa cơ bản kết hợp với xu hướng tăng lãi suất trên toàn thế giới được cho là sẽ gây áp lực lên các nhà hoạch định chính sách ở Việt Nam trong quyết định nâng mặt bằng lãi suất chung của nền kinh tế. Hệ quả, sẽ có tác động tiêu cực lên thị trường các tài sản có tính rủi ro tương đối, bao gồm cả thị trường chứng khoán.
Xét về ngắn hạn, yếu tố này sẽ tác động tiêu cực về mặt tâm lý đối với các nhà đầu tư toàn thị trường. Tuy nhiên cũng sẽ có một số nhóm ngành được hưởng lợi từ kinh doanh sản xuất các mặt hàng commodities tăng giá như: Dầu khi, hóa chất, phân bón,… Tuy nhiên trong dài hạn, việc tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát đồng nghĩa với việc chi phí sử dụng vốn cao hơn sẽ khiến cho định giá của các doanh nghiệp niêm yết kém hấp dẫn. Dòng tiền cũng có thể dịch chuyển một phần sang kênh tiền gửi tiết kiệm khi lãi suất huy động tăng lên. Một điểm khác cần lưu tâm khi dòng vốn ngoại liên tục bán ròng trên TTCK trong suốt thời gian qua với việc FED và sau này là ECB nâng lãi suất, xu hướng bán ròng dự báo sẽ tiếp tục kéo dài trong thời gian sắp tới.
Đối mặt với bối cảnh nhiều biến động, nền kinh tế Việt Nam vẫn rất cần những biện pháp hỗ trợ cần thiết của Chính phủ để duy trì tăng trưởng ổn định. Có thể thấy một loạt các chính sách hỗ trợ liên quan tới mặt bằng lãi suất đầu ra đã được ban hành, cụ thể như:
1) Chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiếp tục tiết giảm chi phí quản lý để phấn đấu giảm lãi suất cho vay từ 0,5-1% trong 2 năm.
2) Gói 40.000 tỷ cấp bù 2% lãi suất cho các doanh nghiệp chịu ảnh hưởng trực tiếp từ đại dịch Covid,… đã giúp doanh nghiệp nhanh chóng khôi phục tình hình sản xuất.
Áp lực lạm phát – yếu tố được các nhà đầu tư quan tâm nhất trong thời gian vừa qua, Chính phủ đã thực hiện điều hành giá các mặt hàng quan trọng để giữ lạm phát theo mục tiêu thông qua các hoạt động tiếp tục hỗ trợ chi phí điện, nước (giúp giảm chi phí nhà ở trong khấu phần CPI) cũng như giảm thuế bảo vệ môi trường 50% (từ 4.000 VNĐ/lít 2.000 VNĐ/lít) để kiềm chế đà tăng giá xăng dầu.
Bên cạnh đó, Việt Nam duy trì xuất siêu, thu hút dòng vốn FDI tốt cùng lượng dữ trữ ngoại hối cao kỷ lục (xấp xỉ 110 tỷ USD – tương đương 17 tuần nhập khẩu) là nền tảng vững chắc để duy trì ổn định tỷ giá xuyên suốt năm 2022.
Xét tới yếu tố mặt bằng lãi suất, EVS cho rằng lãi suất chính sách sẽ tiếp tục duy trì ổn định, không có những đợt tăng lớn trong năm 2022. Lãi suất huy động sẽ có xu hướng tăng 25-50 điểm cơ bản trong năm 2022 khi áp lực giá cả hàng hóa tăng, nhu cầu tín dụng phục vụ sản xuất hậu đại dịch lớn trong khi lãi suất cho vay đi ngang, thậm chí giảm nhẹ ở một số ngành ưu tiên dưới tác động của gói hỗ trợ cấp bù lãi suất của Chính phủ. Áp lực thanh khoản hệ thống chưa lớn và việc thiếu hụt chỉ mang tính cục bộ ở một số ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước có thể sử dụng biện pháp hỗ trợ thông qua các nghiệp vụ thị trường mở để giải quyết vấn đề này.
Xét về bối cảnh Việt Nam, có thể thấy thời gian qua nền kinh tế của chúng ta tăng trưởng lệch pha so với các nền kinh tế phát triển trên Thế giới. Cầu tiêu dùng hồi phục chậm khiến chỉ số CPI tại Việt Nam thời gian qua duy trì ở mức thấp, 2 tháng đầu năm 2022 chỉ tăng 1,64% so với cùng kỳ. Nhóm giao thông vẫn đóng góp chủ yếu vào đà tăng với mức tăng bình quân 11,02% do giá xăng dầu tăng, ngay sau đó là nhóm vật liệu xây dựng với mức tăng bình quân 1,78%.
Mặt bằng lãi suất huy động trong năm vừa qua được duy trì khá ổn định ở mức rất thấp, dao động từ 4 – 6,2%/năm đối với kỳ hạn 6 – 12 tháng. Tuy nhiên, dấu hiệu tăng lãi suất trở lại dần trở nên hiện hữu vào các tháng cuối năm 2021 khi lãi suất huy động trung bình có diễn biến tăng nhẹ với kỳ hạn 6 tháng và 12 tháng (lần lượt tăng 0,05% và 0,04%).
Thế giới chịu tác động năng nề bởi đại dịch Covid-19, đây cũng là thách thức kinh tế nghiêm trọng nhất, thậm chí sâu rộng hơn cả cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 -2009.
Theo báo cáo IMF, đứt gãy chuỗi cung ứng đã khiến tăng trưởng GDP toàn cầu năm 2021 giảm 0,5 – 0,1% và khiến lạm phát lõi tăng 1%. World Bank dự báo, tăng trưởng GDP toàn cầu chỉ đạt lần lượt 4,1% và 3,2% trong 2022 và 2023. Đặc biệt, một số ngành sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề hơn cả như: Hàng không, du lịch, thương mại, dịch vụ.
Sự suy thoái về kinh tế khiến ngân hàng trung ương các nước phải tung ra các gói kích thích kinh tế lớn chưa từng có. Cùng với đó, sự thiếu hụt chuỗi cung ứng toàn cầu và tình trạng thiếu hụt lao động buộc nhiều công ty phải tăng giá hàng hóa, dịch vụ nhằm đẩy bớt chi phí về phía người tiêu dùng, gây áp lực lên giá cả hàng hóa. Hệ quả là CPI của một số nước lớn trên thế giới năm 2021 đã ghi nhận mức kỷ lục (CPI Mỹ tăng 7%, CPI Anh tăng 5.4%).
Tông Hợp