Bộ Tài chính lấy ý kiến về các chính sách thu thuế bất động sản, bao gồm việc đánh thuế nhà và tài sản nhằm xây dựng đề cương báo cáo rà soát, đánh giá và đề xuất sửa đổi theo chỉ đạo của Chính phủ. Câu chuyện thu thuế không phải nói lần đầu, mà trước đây cũng đã bàn đến rất nhiều.
Các nội dung góp ý gồm: đề xuất gộp Luật Thuế sử dụng đất nông nghiệp và Luật Thuế sử dụng đất phi nông nghiệp, bổ sung đánh thuế đối với nhà, nghiên cứu xây dựng Luật Thuế tài sản hay bất động sản. Vấn đề này đã nhanh chóng thu hút được sự quan tâm của các chuyên gia và lãnh đạo doanh nghiệp bất động sản. Câu chuyện thu thuế không phải nói lần đầu, mà trước đây cũng đã bàn đến rất nhiều.
Bộ Tài chính đã hướng dẫn các Bộ, ngành, địa phương và các tổ chức về đề cương tổng kết thi hành các chính sách thu liên quan đến bất động sản. Đề cương có đánh giá tổng quan và cụ thể về những kết quả đã đạt được của các chính sách; những hạn chế, tồn tại, nguyên nhân và các đề xuất. Đề cương đề xuất sửa đổi nội dung cụ thể tại Luật thuế sử dụng đất nông nghiệp và Luật thuế sử dụng đất phi nông nghiệp, bổ sung đánh thuế đối với nhà, nghiên cứu xây dựng luật thuế tài sản hay bất động sản (nếu có). Đồng thời, đánh giá tác động của nội dung đề xuất sửa đổi đối với kinh tế xã hội, doanh nghiệp, người dân, ngân sách nhà nước (nếu có).
Hiện nay, Bộ Tài chính chưa xây dựng dự thảo Luật để lấy ý kiến của các tổ chức, cá nhân trước khi trình Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội. Trên cơ sở vướng mắc của các Bộ, ngành, địa phương và tổng hợp kinh nghiệm quốc tế, Bộ Tài chính sẽ tiến hành tổng kết, đánh giá quá trình triển khai thi hành Luật thuế sử dụng đất nông nghiệp và Luật thuế sử dụng đất phi nông nghiệp.
Bộ Tài chính cho biết từ đó sẽ đề xuất các giải pháp hoàn thiện chính sách thuế liên quan đến bất động sản để báo cáo cấp có thẩm quyền theo đúng tiến độ quy định tại Quyết định số 2114/QĐ-TTg, đảm bảo phù hợp với điều kiện kinh tế – xã hội của Việt Nam, phù hợp với thông lệ quốc tế, đảm bảo tính thống nhất của hệ thống chính sách thuế liên quan đến tài sản và đặt trong tổng thể cải cách hệ thống chính sách thuế giai đoạn 2021-2030.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) cũng từng có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ đề xuất việc xem xét các giải pháp “đặc trị” sốt đất và bình ổn giá nhà. Trong đó có việc sử dụng công cụ thuế và ban hành thuế bất động sản.
Theo ông Châu, mặt tích cực của việc đánh thuế bất động sản là tăng cường hiệu quả công tác quản lý nhà nước, tăng nguồn thu ngân sách, góp phần làm cho thị trường bất động sản công bằng, minh bạch hơn. Do vậy, việc ban hành thuế chống đầu cơ nhà đất là cần thiết. Có thể khẳng định, việc đánh thuế từ căn nhà thứ hai trở đi sẽ góp phần giúp thị trường bất động sản phát triển bền vững, phòng chống đầu cơ và tăng thêm nguồn thu cho ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, có nhiều ý kiến cho rằng, cần nghiên cứu kỹ và áp dụng theo một lộ trình đủ dài, để tránh gây méo mó thị trường.
Theo PGS-TS Đinh Trọng Thịnh, giảng viên bộ môn tài chính quốc tế (Học viện Tài chính), thuế tài sản đã đưa ra vài lần, nhưng đều là các thời điểm chưa chín, chưa có cơ chế chính sách, cơ sở lý luận, thực tiễn để có các loại hình và cách đánh thuế phù hợp. Ông Thịnh lấy ví dụ, ngay với mục tiêu đánh thuế ngôi nhà thứ 2 trở đi cũng rất cần phải xem xét, vì nếu ngôi nhà thứ 2 vẫn được đưa vào kinh doanh, khai thác, không bỏ hoang thì đánh thuế có hợp lý không? Hay với việc một người có 2 ngôi nhà diện tích khác nhau, 30 m2 và 60 m2 thì đánh thuế cái nào, căn cứ nào để xác định đâu là ngôi nhà thứ 2. Chưa kể việc so sánh với người khác cũng sở hữu 2 ngôi nhà nhưng khác diện tích. Vì vậy, việc đánh thuế ngôi nhà thứ 2 phải đảm bảo công bằng, hợp lý, nhưng điều này là không dễ.
“Việc nghiên cứu về thuế tài sản là cần thiết, nhưng thời điểm ban hành thì phải cân nhắc. Hiện tại thì chưa nên khi nền kinh tế còn đang khó khăn, các lĩnh vực sản xuất, bất động sản mới phục hồi, ra luật thuế mới sẽ làm nhà đầu tư bị phân tâm, lo lắng, không tập trung cho việc khôi phục kinh tế”, ông Thịnh nói.
Cũng cho rằng, hiện chưa phải là thời điểm thích hợp, nhiều doanh nghiệp địa ốc và nhà đầu tư khuyến nghị, với thuế tài sản cần có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, đơn vị soạn thảo phải có tầm nhìn rộng hơn, bao quát hơn, có vậy việc triển khai mới mang lại kết quả.
Tổng Hợp