Thời gian qua, giá cả nhiều loại hàng hóa trong nước tăng mạnh, chủ yếu do tác động từ giá xăng dầu. Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho rằng giá xăng dầu tăng quá nhanh nằm ngoài dự đoán của tất cả.
Chiều 14/3, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái họp với một số Bộ, ngành, địa phương về công tác điều hành giá một số mặt hàng quan trọng, thiết yếu (xăng dầu, nguyên, nhiên vật liệu, sắt thép, phân bón, nông sản, dịch vụ vật tư y tế…). Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đánh giá đến thời điểm hiện tại, Việt Nam cơ bản đảm bảo nguồn cung và giá các mặt hàng thiết yếu, đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế và người dân.
“Tuy nhiên, sức ép từ biến động giá xăng dầu, các mặt hàng thiết yếu trên thị trường thế giới, cũng như những chính sách tiền tệ, tài khóa của các nước đang gây áp lực lớn đối với công tác điều hành giá ở trong nước. Do đó, chúng ta không được chủ quan”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh và yêu cầu thời gian tới, cần đẩy mạnh thực hiện các giải pháp điều hành giá.
Các Bộ, ngành tiếp tục theo dõi diễn biến tình hình, tác động của cuộc khủng hoảng giữa Nga và Ukraine đối giá cả xăng dầu thế giới và các mặt hàng thiết yếu, qua đó đánh giá các tác động đối với thị trường trong nước để đề ra các kịch bản ứng phó phù hợp.
Các Bộ, ngành, địa phương cũng phải theo dõi sát diễn biến thị trường, đánh giá đúng tình hình để đảm bảo đủ nguồn cung đối với từng mặt hàng cụ thể.
Đối với riêng mặt hàng xăng dầu, Phó Thủ tướng cho rằng khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua đề xuất giảm 50% thuế bảo vệ môi trường, chắc chắn từ nay đến cuối năm giá xăng dầu trong nước sẽ thấp hơn các nước xung quanh. Ông yêu cầu các địa phương phối hợp với lực lượng quản lý thị trường và các cơ quan bảo vệ pháp luật tăng cường kiểm tra, kiểm soát, chống thẩm lậu xăng dầu qua biên giới.
Tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải đánh giá sự thay đổi không tích cực về giá, nhất là giá xăng dầu diễn ra quá nhanh, nằm ngoài dự đoán của tất cả. Do đó, các Bộ, ngành, địa phương cần phối hợp chặt chẽ hơn nữa để điều hành giá các mặt hàng thiết yếu.
Từ đầu năm đến nay, nhờ có quỹ Bình ổn giá xăng dầu, Việt Nam đã kìm được mức tăng của giá xăng dầu trong nước so với thế giới. Nếu như giá xăng dầu thế giới biến động 44-60% (tùy mặt hàng) thì ở Việt Nam chỉ biến động 20-39%. “Trong tháng 3, cơ bản chúng ta đáp ứng được nhu cầu sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và người dân”, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải khẳng định công tác bảo đảm nguồn cung xăng dầu trong nước.
Đối với nguồn cung trong quý II, Bộ Công Thương đã giao cho 10 doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu xăng dầu. Bộ này sẽ tiếp tục bàn bạc với các nhà sản xuất xăng dầu trong nước để có biện pháp phù hợp để đáp ứng nguồn cung trong quý III.
Về diễn biến chỉ số giá tiêu dùng, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Thị Hương cho biết, qua phân tích diễn biến tốc độ tăng CPI tại một số nước thế giới và so sánh với diễn biến trong nước, có thể khẳng định thời gian qua “chúng ta đã tránh được bão giá”. Theo bà Hương, Việt Nam chịu tác động lớn của giá xăng dầu, nhưng trong giỏ hàng, quyền số mặt hàng xăng dầu không cao như các nước. Bên cạnh đó, Việt Nam có trụ đỡ về lương thực thực phẩm, chủ động được nguồn cung, cân đối được cung cầu.
Sáng 14/3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét báo cáo công tác dân nguyện tháng 2/2022. Theo Trưởng Ban Dân nguyện Dương Thanh Bình, cử tri và nhân dân đánh giá cao sự vào cuộc kịp thời của Quốc hội trước tình hình xăng dầu liên tục tăng giá, ảnh hưởng lớn đến sản xuất và đời sống của người dân. Ông Bình cho biết, cử tri và nhân dân kiến nghị về tình trạng giá xăng, dầu tăng kéo theo giá của nhiều loại hàng hóa, dịch vụ, chi phí khác tăng khiến đời sống, sản xuất người dân gặp khó khăn hơn.
Do vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quan tâm, chỉ đạo Bộ Công Thương, Bộ Tài chính và các bộ, ngành liên quan có giải pháp quản lý, kiểm soát hiệu quả giá cả hàng hóa, dịch vụ khi thực hiện điều chỉnh giá xăng dầu hạn chế tình trạng “ăn theo” giá xăng dầu như hiện nay để trục lợi; quan tâm, có biện pháp hỗ trợ cho người dân, doanh nghiệp.
Tổng Hợp