Sốt đất vùng quê giá nhảy từng giờ, “cò” náo loạn rồi bỗng dưng biến mất.
Trong báo cáo đánh giá về xu hướng thị trường bất động sản năm 2022 vừa được gửi tới cơ quan có thẩm quyền, lãnh đạo Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA) lo ngại về tình trạng sốt đất ảo quay trở lại với những tác động xấu tới thị trường.
“Sốt ảo giá đất đi đôi với hoạt động đầu cơ đang có dấu hiệu quay trở lại ngay trong 2 tháng đầu năm nay cần được các địa phương quan tâm xử lý quyết liệt, kịp thời”, ông Lê Hoàng Châu – Chủ tịch HoREA – nêu.
Theo ông Châu, cần có phương án xử lý kịp thời tình trạng gây nhiễu loạn thị trường từ “đầu nậu”, “cò đất, cò nhà”, doanh nghiệp “bất lương” để ngăn chặn các hệ quả tiêu cực đến sự phát triển lành mạnh, ổn định, bền vững của thị trường bất động sản.
Theo dữ liệu vừa công bố của một kênh thống kê bất động sản, trong tháng 2 năm nay, nhu cầu tìm kiếm bất động sản tăng ở hầu hết loại hình so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, loại hình đất, đất nền chứng kiến cả mức độ quan tâm và lượng tin đăng bán tăng ở nhiều địa phương.
Trong hai ngày 6/3 và ngày 7/3, Khu quy hoạch thôn Lộc Thọ (xã Việt Tiến, huyện Thạch Hà, Hà Tĩnh), không khí trở nên yên tĩnh khác hẳn với những ngày trước. Toàn bộ khu quy hoạch này không còn bóng dáng của các nhóm “cò” đất tụ tập để mua bán, chỉ còn rải rác một số xe biển ngoại tỉnh, chủ yếu là tỉnh Nghệ An vòng qua vòng lại, nhưng khi không thấy người đến mua đất thì cũng bỏ đi.
Việt Tiến là xã nằm khá xa so với trung tâm hành chính huyện Thạch Hà, thế nhưng trong hai ngày 27/2 và 28/2, lượng người rất đông đổ xô về thôn Lộc Thọ của xã này mua đất. Từ vùng đất chẳng ai ngó ngàng, bỗng nhiên giá đất tại đây bị đẩy lên cao ngất ngưởng và “nhảy” theo từng giờ. Sau khoảng 2 ngày, từng nhóm “cò” đất đã rời đi. Thế nhưng, “cơn sốt” đất mấy ngày qua khiến những người dân nơi đây vẫn không ngừng bàn tán, xôn xao.
Cũng không riêng gì ở hai địa phương này, cùng với việc đón làn sóng đầu tư từ nhiều doanh nghiệp, cơn sốt đất ở các địa bàn thuộc tỉnh Hà Tĩnh cũng nóng lên theo từng dự án. Cuối năm 2021, khi Tập đoàn Vingroup đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất Pin VinES và 3 dự án khác với tổng mức đầu tư hơn 302.500 tỷ đồng vào Vũng Áng cũng đã tạo nên một đợt khuynh đảo thị trường về đất nền, đất ở. Các doanh nghiệp môi giới bất động sản, “cò” và người dân từ các tỉnh Nghệ An, Thanh Hóa, Quảng Bình đổ xô về đây mua đất để đầu cơ, bán lại. Tình trạng sốt đất diễn ra tại nhiều phường, xã quanh khu vực khu kinh tế Vũng Áng. Trong đó, “nóng” nhất vẫn là các địa bàn có nhiều dự án, nhà máy đứng chân như các phường Kỳ Lợi, Kỳ Thịnh, Kỳ Long, Kỳ Liên… Hoạt động liên quan đến giao dịch bất động sản cũng mọc lên nhan nhản như nấm sau mưa.Một lô đất ban đầu giá khoảng 1 tỷ đồng, sau đó được mua đi bán lại với giá đội lên gấp 4-5 lần.
Nhiều người đang đổ xô về huyện Củ Chi “săn lùng” đất vườn khiến giá đất ở đây đã tăng gần gấp đôi so với năm 2021. Đây cũng là hiện tượng khác thường so với thực tế cùng thời điểm ở nhiều năm trước.
Đi dọc các cung đường ở các xã như Phước Vĩnh An, Tân An Hội, Phú Hòa Đông… (Củ Chi) thời điểm này dễ dàng nhận thấy các điểm giao dịch, môi giới bất động sản mọc lên khá nhiều. Cùng với đó là các bảng, giấy bán đất thổ cư, đất vườn thô sơ được trưng, dán đầy đường, thậm chí dán lên trụ điện, cây cối ven đường… Ngoài bán đất tại khu vực Củ Chi, nhiều môi giới bán đất khu vực Tây Ninh. Liên hệ theo số điện thoại của một đầu mối bán đất tại ấp 8, xã Phước Vĩnh An, người bán tự xưng tên Bình và cho biết có nhiều mối đất vườn, thổ cư tại Củ Chi, khách muốn mua ở đâu thì có đó.
Cơn sốt đất được cho bắt nguồn từ những thông tin đồn thổi từ việc các địa phương trên sắp có khu công nghiệp lớn được xây dựng, bên cạnh đó là thông tin về một doanh nghiệp lớn đang xin khảo sát để đầu tư một dự án đô thị nghỉ dưỡng lớn trên địa bàn. Trong dòng người tấp nập, bên cạnh những người khách thập phương thì còn có rất đông người dân địa phương nhanh chóng nhập cuộc để tìm cơ hội. Phần lớn họ đều tham gia với tư cách là người “môi giới” để lấy tiền hoa hồng.
Câu chuyện sốt đất bất thường ở Hà Tĩnh cũng đang diễn ra tại nhiều vùng nông thôn khác trong cả nước trong thời gian gần đây. Một “mô típ” quen thuộc của những cơn sốt đất này là xuất phát từ những thông tin chưa rõ ràng về việc một cơ sở hạ tầng, khu công nghiệp hay dự án đô thị tâm cỡ sắp được đầu tư.
Tổng Hợp