Theo báo cáo tháng mới nhất về hoạt động phát hành trái phiếu của Hiệp hội Thị trường Trái phiếu Việt Nam (VBMA), tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) phát hành trong tháng 2 là 1.800 tỷ đồng, trong đó có 1 đợt phát hành TPDN ra công chúng và 4 đợt phát hành TPDN riêng lẻ. Không phải ngân hàng hay bất động sản, dẫn đầu về phát hành trái phiếu tháng 2/2022…
Ngân hàng và Bất động sản không còn là 2 nhóm dẫn đầu về giá trị phát hành trái phiếu. Vị trí này trong tháng 2 năm nay đã thuộc về nhóm Xây dựng và Sản xuất với giá trị phát hành lần lượt là 800 tỷ đồng và 500 tỷ đồng, chiếm 44,4% và 27,7% tổng giá trị phát hành.
Thống kê của VBMA dựa trên công bố từ trang thông tin SSC và HNX, tháng 2 năm 2022, CTCP CMC có 1 đợt phát hành trái phiếu ra công chúng với giá trị 500 tỷ đồng. 4 đợt phát hành riêng lẻ thuộc về 4 doanh nghiệp: NH TMCP Việt Nam Thương Tín (VietBank), CTCP Xây lắp Sunshine E&C, CTCP Dịch vụ Ô tô Hàng Xanh và Công ty cổ phần kinh doanh F88. Trong đó CTCP Xây lắp Sunshine E&C có giá trị phát hành lên tới 800 tỷ đồng.
Sự lùi bước của nhóm ngân hàng và bất động sản về việc phát hành trái phiếu trong đầu năm nay hoàn toàn khác xa với bức tranh thị trường trái phiếu sôi động cuối năm 2021.
Trước đó, Ngân hàng và Bất động sản luôn chiếm ưu thế vượt trội trong tổng giá trị phát hành trái phiếu. Đặc biệt, trong tháng 12/2021 nhóm ngân hàng vươn lên vị trí dẫn đầu, với tổng giá trị phát hành lên tới 46.926 tỷ đồng, chiếm 71,36% toàn thị trường. Với con số này, nhóm ngân hàng bỏ xa nhóm bất động sản ở vị trí thứ 2 khi giá trị phát hành của nhóm này là 9.538 tỷ, chiếm 14,5%.
Trở lại với diễn biến thị trường đầu năm 2022, TPDN có tổng cộng 26 đợt phát hành riêng lẻ với tổng giá trị khoảng 22,185 tỷ đồng (chiếm 80,1% tổng giá trị phát hành). Tổng giá trị phát hành trái phiếu ra công chúng tăng 31% so với cùng kỳ năm ngoái và tổng giá trị phát hành trái phiếu riêng lẻ tăng 51%.
Kênh huy động vốn qua hình thức trái phiếu doanh nghiệp Việt Nam đã trở thành một nguồn huy động vốn tương đối lớn trong mối tương quan với kênh vay vốn tín dụng từ ngân hàng cũng như kênh huy động vốn cổ phần qua thị trường chứng khoán. Thị trường trái phiếu doanh nghiệp sôi nổi năm 2021 đã giúp các doanh nghiệp huy động vốn cho sản xuất kinh doanh, định hướng nhà đầu tư tập trung vào các khoản đầu tư trung, dài hạn thay vì gửi tiết kiệm ngắn hạn. Đặc biệt, trong các thời điểm dịch bệnh được kiểm soát, khối lượng phát hành trái phiếu doanh nghiệp cũng tăng nhanh cho thấy các doanh nghiệp đang đẩy mạnh phát hành trái phiếu để huy động vốn phục hồi sản xuất kinh doanh.
Tổng Hợp