Ngày 8/3, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã tuyên bố lệnh cấm nhập khẩu dầu của Nga, theo sau là động thái tương tự từ đồng minh Anh, nhằm gây sức ép buộc Nga phải rút lui trong cuộc chiến tại Ukraine. Một lệnh cấm vận hoàn toàn sẽ hiệu quả nhất nếu được các đồng minh châu Âu hưởng ứng và làm theo. Tuy nhiên, ngoại trừ Anh, các quốc gia còn lại tại châu Âu vẫn chưa có động thái rõ ràng với năng lượng Nga.
Tương tự với việc Mỹ chịu ít ảnh hưởng từ ngành dầu khí Nga, nên việc Mỹ cấm nhập khẩu dầu từ Nga cũng không gây thiệt hại nặng nề với quốc gia này, nếu xét theo các tiêu chí ngắn hạn. Nga cũng hoàn toàn có thể chuyển qua giao thương với Trung Quốc hay Ấn Độ để bù vào phần của Mỹ, dù sẽ phải tăng chiết khấu. Sự bế tắc của mối quan hệ Nga – phương Tây có thể củng cố mối quan hệ của Moscow với Bắc Kinh nhưng cơ sở hạ tầng năng lượng giữa hai nước còn rất ít.
Kaho Yu, nhà phân tích chính về châu Á của công ty tư vấn rủi ro Verisk Maplecroft cho biết: “Mặc dù công ty Pivot to the East của Nga đã đẩy mạnh hợp tác khí đốt với Trung Quốc thông qua cơ sở hạ tầng khí đốt, nhưng tất cả những phát triển này vẫn còn sơ khai so với các thị trường trưởng thành ở châu Âu”. Nhìn chung về triển vọng tăng trưởng của Nga, JPMorgan ước tính thiệt hại với tăng trưởng Nga có thể rất lớn và có hiệu lực trong thời gian ngắn, nền kinh tế của quốc gia này sẽ giảm tăng trưởng tới 12,5%, thậm chí có thể rơi vào thời kỳ khủng hoảng kinh tế.
Mỹ nhập khẩu một phần nhỏ dầu mỏ của Nga và không mua bất kỳ khí tự nhiên nào của nước này, vì vậy, tác động của lệnh cấm đối với Mỹ sẽ ở mức tối thiểu. Năm 2021, khoảng 8% nhập khẩu dầu và các sản phẩm dầu mỏ của Mỹ đến từ Nga. Tổng lượng nhập khẩu tương đương 245 triệu thùng vào năm 2021, tương đương khoảng 672.000 thùng dầu và các sản phẩm dầu mỏ mỗi ngày.
Do lượng dầu khiêm tốn Mỹ nhập khẩu từ Nga, nên Nga có khả năng bán dầu đó ở những nơi khác, có thể là ở Trung Quốc hoặc Ấn Độ, với mức chiết khấu cao, vì ngày càng ít người mua chấp nhận dầu của Nga. Tuy nhiên, tin tức về lệnh cấm dầu của Mỹ đã khiến giá xăng tăng vọt, với giá trung bình 4,17 USD/gallon vào ngày 8/3. Chỉ 1 tháng trước, dầu được bán với giá khoảng 90 USD/thùng. Giờ đây, giá đang tăng lên gần 130 USD/thùng.
Các nhà phân tích năng lượng cảnh báo rằng giá dầu có thể lên tới 160 USD hoặc thậm chí 200 USD/ thùng nếu người mua tiếp tục né tránh dầu thô của Nga. Xu hướng đó có thể khiến giá xăng của Mỹ vượt qua mức 5 USD/gallon, một kịch bản mà ông Biden và các nhân vật chính trị khác đều đang muốn tránh.
Morgan Bazilian, Giám đốc Viện Payne tại Trường Mỏ Colorado, cho biết: “Lệnh cấm vận của Mỹ đối với dầu mỏ của Nga hiện đang rất hấp dẫn về mặt chính trị. Tuy nhiên, các chính trị gia vẫn quan ngại rằng lệnh cấm sẽ trở thành “gây ông đập lưng ông” với tổng thống Biden nếu giá xăng Mỹ tăng thêm”. Không chỉ vậy, Việc Mỹ đưa ra lệnh cấm với năng lượng Nga chắc chắn sẽ tác động xấu tới giá dầu trong nước, như tổng thống Biden thừa nhận, chưa kể tới giá dầu trên thế giới, gián tiếp tạo ra nhiều hệ quả nghiêm trọng khác như lạm phát và cản trở tăng trưởng.
Theo tính toán thông thường, tại Mỹ, cứ giá dầu tăng 10 USD/thùng sẽ làm tăng lạm phát 0,2 điểm phần trăm. Chỉ tính trong tuần qua, giá dầu thô đã tăng hơn 30%, phần nào phản ánh mức lạm phát cao mà quốc gia này đã, đang và sẽ phải đối mặt trong thời gian tới. Với giá khí đốt tự nhiên đạt mức cao nhất mọi thời đại, chi phí năng lượng tăng cao dự kiến sẽ đẩy lạm phát lên trên 7% ở cả hai bờ Đại Tây Dương trong những tháng tới và ăn sâu vào sức mua của các hộ gia đình. Đối với Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), tác động lạm phát đã quá lớn, khiến Chủ tịch Jerome Powell khẳng định cần tăng lãi suất trong tháng này, gây áp lực chồng chất lên những người đi vay.
Không giống như Mỹ, châu Âu phụ thuộc sâu sắc vào năng lượng nhập khẩu từ Nga, nước xuất khẩu dầu thô lớn thứ hai thế giới sau Ả Rập Xê-út. Trong khi Mỹ có thể thay thế lượng nhiên liệu tương đối nhỏ mà họ nhận được từ Moscow, thì châu Âu không thể làm được điều này, ít nhất là không phải ở thời điểm hiện tại.
Theo phát biểu của Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak ngày 7/3, việc từ chối dầu của Nga sẽ dẫn đến hậu quả thảm khốc đối với thị trường toàn cầu, khiến giá dầu có thể tăng lên hơn 300 USD/thùng. Ngoài ra, Nga cũng có thể xem xét cắt nguồn cung khí đốt sang châu Âu – nơi đang nhập khẩu tới 40% khí đốt từ Moscow. Việc châu Âu phải chịu mức giá năng lượng cao vốn đã không còn là chuyện lạ. Tuy nhiên, việc giảm phụ thuộc vào dầu khí Nga và tìm được nguồn cung thay thế mà không làm ảnh hưởng tới kinh tế khu vực châu Âu gần như bất khả thi.
Theo quy luật thông thường, cứ 10% giá dầu tăng theo quy tắc đồng EUR sẽ làm tăng lạm phát của khu vực châu Âu thêm 0,1 – 0,2 điểm phần trăm, mà từ ngày 1/1, giá dầu thô Brent đã tăng khoảng 80% tính theo đồng EUR. Tính toán sơ bộ của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), chiến tranh có thể làm giảm mức tăng trưởng của khu vực đồng EUR từ 0,3 – 0,4 điểm phần trăm trong năm nay theo kịch bản cơ bản và 1 điểm phần trăm trong trường hợp xảy ra cú sốc nghiêm trọng. Mặc dù có thể xuất hiện lạm phát đình trệ trong những tháng tới hoặc tăng trưởng tối thiểu với mức lạm phát cao, nhưng về lâu dài, nhìn chung tăng trưởng của khu vực đồng EUR sẽ vẫn mạnh mẽ.
Tổng Hợp