Chiều 4-3, UBND TP.HCM họp phiên thường kỳ về tình hình kinh tế – xã hội, quốc phòng – an ninh, thu chi ngân sách tháng 2, hai tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ tháng 3. Liên quan đến đấu giá bốn lô đất ở Thủ Thiêm, Cục trưởng Cục Thuế TP.HCM Lê Duy Minh cho biết cơ quan này đang chịu áp lực từ trung ương trong việc xem xét khả năng tài chính của các doanh nghiệp (DN) tham gia đấu giá.
Ngày 11/2, lãnh đạo Cục thuế TP.HCM cho biết, UBND Thành phố đã ra quyết định huỷ kết quả đấu giá lô đất 3-12 tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm của Công ty TNHH Đầu tư BĐS Ngôi Sao Việt (doanh nghiệp thành viên của Tập đoàn Tân Hoàng Minh).
Doanh nghiệp này đơn phương chấm dứt hợp đồng mua bán tài sản đấu giá đồng nghĩa với việc mất khoảng 600 tỷ đồng tiền đặt cọc khi tham gia đấu giá lô đất 3-12, tương ứng 20% giá khởi điểm lô đất.
Trong khi đó, Công ty TNHH Đầu tư phát triển và thương mại Bình Minh (Công ty Bình Minh), doanh nghiệp trúng đấu giá lô đất 3-9 Khu đô thị mới Thủ Thiêm, cũng đã có văn bản chính thức gửi đến các cơ quan chức năng của thành phố xin không tiếp tục triển khai dự án tại lô đất trên. Điều này đồng nghĩa Công ty Bình Minh chấp nhận bỏ 140 tỷ đồng tiền cọc.
“Công ty Bình Minh bỏ cọc thì UBND TP.HCM sẽ là cơ quan ra quyết định thu hồi quyết định trúng đấu giá. Còn tiền đặt cọc của doanh nghiệp này thì cơ quan thuế sẽ sung công quỹ. Tiền đặt cọc của Công ty Ngôi Sao Việt cũng đã xử lý xong”, lãnh đạo Cục thuế TP.HCM thông tin.
Lãnh đạo Cục thuế TP.HCM còn cho biết, đơn vị đã có văn bản đôn đốc 2 doanh nghiệp trúng đấu giá đất còn lại là Công ty cổ phần Dream Republic (trúng đấu giá lô 3-5) và Công ty Cổ phần Sheen Mega (trúng đấu giá lô 3-8) nộp tiền đợt 1 vì đến nay đã trễ hạn nhưng 2 doanh nghiệp này chưa nộp tiền.
Theo ông Minh, hiện nay Cục Thuế TP.HCM đang áp dụng các giải pháp để xử lý nhưng ông cho rằng TP cần gặp gỡ, đối thoại với các DN nhằm đảm bảo việc thực thi kết quả đấu giá.
Trong thời gian tới, ông Minh cho biết Cục Thuế TP.HCM sẽ tiếp tục cùng các cơ quan, ban ngành đôn đốc các DN thực hiện nghĩa vụ, trước mắt trong vòng dưới 90 ngày Cục Thuế sẽ có thư nhắc nhở. “Nếu quá 90 ngày không thực hiện thì cơ quan thuế sẽ có biện pháp cưỡng chế. Các biện pháp cưỡng chế sẽ được áp dụng từng bước, từng cấp độ. Biện pháp cao nhất là đề nghị không thực hiện dự án, đề nghị thu hồi dự án” – ông Minh nói.
Liên quan đến vấn đề này, phát biểu chỉ đạo, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên cho biết đến giờ này TP vẫn chưa có phát biểu vì phải chờ đánh giá kết luận của cơ quan chức năng, cấp trên. Tuy nhiên, ông cho rằng UBND nên gặp gỡ trao đổi, bàn bạc với các đơn vị để có thông điệp rõ ràng.
“Đấu giá đất như thế có gì cần phải rút kinh nghiệm cho các đợt đấu giá tiếp theo. Đặt trong vị trí của các DN, TP tổ chức đấu giá nhưng kết quả lại khiến dư luận có nhiều ý kiến; làm tới thì có bị gì không, không làm thì mất tiền” – ông Nên nói và cho rằng đã đến lúc chính quyền TP.HCM phải lên tiếng một cách có trách nhiệm về vấn đề này.
Trước chỉ đạo này, ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP.HCM, khẳng định đến giờ này các đơn vị vẫn đang làm việc đúng quy định, quy trình. “TP sẽ ngồi lại tính toán, gặp gỡ các đơn vị tham gia đấu thầu. Trước mắt, TP sẽ tính toán lại việc đấu giá, đấu thầu dự án để làm sao phù hợp với quy hoạch công năng của khu đất” – ông Mãi nói.
“Hai DN trúng đấu giá hai lô đất có giá trị lớn nhất đã xin điều chỉnh kết quả. Đối với hai lô đất còn lại với giá trị khoảng 8.000 tỉ đồng, các DN vẫn chưa nộp thêm phần tiền theo quy định ban đầu” – ông Minh nói.
Theo ông Mãi, TP.HCM không chỉ thu tiền đấu giá từ các lô đất mà còn tính toán thu được tiền đầu tư vào các công trình tại các lô đất đấu giá, qua đó khai thác đa mục tiêu, lợi ích tổng thể của khu đất.
Tổng Hợp