Hiện tại, khu đất có vị trí đắc địa 4 mặt tiền, nằm cạnh UBND TP.Thủ Đức, TPHCM đang trong tình trạng hoang hóa. Xung quanh khu đất này là loạt công trình, biệt thự rất tráng lệ. Khu đất bỏ hoang của “đại gia” Đặng Phước Dừa bỏ hoang 15 năm chuyển nhượng lòng vòng, cầm cố để lấy tiền….
Khu đất công cộng 4 mặt tiền rộng 2,9 ha nằm cạnh UBND TP.Thủ Đức (TPHCM) từ năm 2006 để xây bệnh viện nhưng Công ty Đặng Trần của “đại gia” Đặng Phước Dừa bỏ hoang 15 năm. Điều lạ lùng, dù là đất công xây bệnh viện nhưng bị doanh nghiệp (DN) mang đi góp vốn, chuyển nhượng lòng vòng, cầm cố để lấy tiền phục vụ vào mục đích khác.
Theo kết luận thanh tra của Sở Tài nguyên Môi trường TPHCM, biết trong dự án Khu dân cư Thạnh Mỹ Lợi rộng 174 ha do Công ty Xây dựng và Kinh doanh nhà Phú Nhuận làm chủ đầu tư hạ tầng có 2,9ha đất công trình công cộng, Công ty CP Đầu tư Thương mại Đặng Trần của ông Đặng Phước Dừa làm thủ tục xin đầu tư dự án bệnh viện quy mô 500 giường bệnh. Để được chấp thuận chủ trương giao khu đất công trình công cộng do Nhà nước quản lý nói trên, ông Dừa đã vẽ ra dự án Bệnh viện Đa khoa Ngọc Tâm rất hoành tráng.
Năm 2006 UBND TPHCM ra quyết định giao khu “đất vàng” này cho Công ty Đặng Trần để xây dựng bệnh viện. Khi giao đất, UBND TPHCM đã ghi rõ đây là đất công trình công cộng, chỉ dùng để đầu tư xây dựng bệnh viện theo chính sách kêu gọi xã hội hóa đầu tư vào lĩnh vực y tế của Chính phủ.
Đồng thời, UBND TPHCM chỉ yêu cầu Công ty Đặng Trần đóng tiền giá trị đất bằng với giá tiền bồi thường giải phóng mặt bằng trong toàn dự án Khu dân cư Thạnh Mỹ Lợi, còn lại tiền sử dụng đất của toàn bộ 2,9 ha này được Hội đồng Thẩm định bồi thường TPHCM xác định là 9,2 tỷ đồng nhưng được miễn đóng. Vì vậy, tổng số tiền mà Công ty Đặng Trần phải nộp vào ngân sách TPHCM khi đó chỉ 22,2 tỷ đồng. Đến khi cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mang ký hiệu AI 334094 vào năm 2007, Sở Tài nguyên Môi trường TPHCM lại chỉ ghi vỏn vẹn câu “Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất”, mà thiếu mất một về sau “nhưng được miễn”.
Theo quy định, đối với đất công thì tổ chức được giao sử dụng không được phép mua bán, cầm cố, thế chấp, đem góp vốn… trừ trường hợp được cơ quan thẩm quyền cho phép. Cụ thể, Mục 2, Điều 173 Luật Đất đai quy định: “Tổ chức được Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất không có quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, tặng cho, cho thuê quyền sử dụng đất; thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất; không được bồi thường về đất khi Nhà nước thu hồi đất”. Thế nhưng, đối với dự án Bệnh viện Đa khoa Ngọc Tâm thì ông Đặng Phước Dừa dường như lờ đi tất cả quy định của pháp luật để trục lợi từ khu đất công này.
Theo đó, sau khi được cấp sổ đỏ vào tháng 8/2007 và dù vẫn là khu đất hoang, nhưng lợi dụng việc được Nhà nước cấp sổ đỏ cho công ty xây bệnh viện, ông Dừa và những cá nhân liên quan trong gia đình ông đã dùng hợp đồng góp vốn, sang nhượng qua lại lòng vòng trong các công ty của gia đình ông để cuối cùng “định giá” lên đến 232 tỷ đồng làm tài sản đảm bảo cho khoản vay ngân hàng.
Theo kết luận thanh tra, từ năm 2014 đến 2016, ông Dừa và con ông với tư cách là chủ đầu tư Bệnh viện Đa khoa Ngọc Tâm dùng chính sổ đỏ dự án đem thế chấp vay của Sacombank chi nhánh Bình Thạnh tổng cộng 223 tỷ đồng. Ông Dừa đem số tiền vay từ ngân hàng này “góp vốn đầu tư dự án” để đầu tư vào dự án bất động sản của Công ty TNHH Đầu tư Phú Việt Tín, nằm ở Đồng Nai. Cụ thể là dự án khu dân cư A1 – C1 – Khu đô thị Dầu Giây, huyện Thống Nhất, Đồng Nai. Đây cũng là dự án do chính ông Dừa làm chủ đầu tư. Mặc dù theo giấy chứng nhận đầu tư được cấp cho Công ty CP Bệnh viện Ngọc Tâm, công ty này hoàn toàn không có chức năng “góp vốn đầu tư dự án” nhưng phía ngân hàng vẫn đồng ý cho vay.
Kết luận của Cục Thanh tra giám sát Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TPHCM cho thấy, Sacombank chi nhánh Bình Thạnh chưa căn cứ vào tình hình hoạt động kinh doanh và tài chính của đơn vị góp vốn khi đánh giá, tính toán nguồn trả nợ và hoàn trả vốn góp cho cả 3 lần thế chấp dù dự án có hiệu quả hay không. Thời điểm thẩm định cho chủ đầu tư dự án Bệnh viện Đa khoa Ngọc Tâm vay vốn, giấy phép đăng ký kinh doanh của công ty không có chức năng hoạt động góp vốn đầu tư dự án. Sau đó, ông Dừa không trả nợ cho Sacombank chi nhánh Bình Thạnh mà tiếp tục “ngâm” để gói tín dụng thành nợ xấu.
Do dự án Bệnh viện Đa khoa Ngọc Tâm để hoang quá lâu, Thường trực Thành uỷ, UBND TPHCM đã chỉ đạo các sở ngành và Thanh tra TPHCM vào cuộc xác minh, làm rõ các sai phạm. Tất cả các cơ quan sau khi điều tra, xác minh đều khẳng định Công ty Đặng Trần, Công ty Việt Tín, Công ty CP Bệnh viện Ngọc Tâm của ông Dừa xin giao đất để đầu tư xây dựng bệnh viện nhưng không có năng lực để thực hiện dự án, không triển khai thực hiện mà chỉ lấy khu đất công đi góp vốn, chuyển nhượng lòng vòng, thế chấp, cầm cố để lấy tiền phục vụ vào mục đích khác.
Do đó Thường trực thành ủy, UBND TPHCM chỉ đạo thu hồi giấy phép đầu tư, thu hồi dự án, thu hồi 2,9 ha đất công đã cấp cho Công ty Đặng Trần để Nhà nước quản lý, giao đơn vị có năng lực đầu tư.Thế nhưng, mọi việc chưa xong thì ông Dừa đã đem bán dự án bệnh viện này cho một chủ mới. Hiện tại, Sở Kế hoạch Đầu tư TPHCM đã cấp giấy đăng ký kinh doanh cho chủ mới. Đáng nói, chủ đầu tư dự án mới lại đang tiếp tục rao bán dự án Bệnh viện Ngọc Tâm với giá hơn 1.000 tỷ đồng. Vì sao một khu đất công được cấp phép xây bệnh viện với hàng loạt ưu đãi nhưng ông Đặng Phước Dừa lại lợi dụng để trục lợi như vậy mà không bị xử lý?