Trong nội thành Hà Nội và TPHCM còn rất nhiều dự án bỏ không, hàng chục năm vẫn là bãi đất hoang vắng và không thể nào triển khai được.
Đất bỏ không, giá vẫn tăng, những người ôm đất được hưởng lợi nhuận rất cao nên cứ yên tâm ôm đất tiếp. Điều này gây ra hậu quả rất tai hại cho thị trường nhà ở tại các thành phố lớn.
“Phải đánh thuế thật nặng những dự án ôm, giữ đất kiểu như vậy. Hầu hết các nước đều đánh thuế rất nặng bởi coi đó là thuế để xác định hiệu quả sử dụng đất. Như ở Mỹ, không một hộ gia đình nào có thể dư ra vài trăm m2 đất chứ đừng nói là hàng chục ha như tại Việt Nam”, TS. Lê Xuân Nghĩa khẳng định.
Theo ông Lê Hoàng Châu – Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA) đề xuất đánh thuế thu nhập với thuế suất rất cao đối với hành vi bán, chuyển nhượng lại nhà, đất ngay sau khi tạo lập, để triệt tiêu ý chí “đầu cơ” của nhà đầu tư “lướt sóng” trong trường hợp thị trường bất động sản có dấu hiệu bị đầu cơ, sốt nóng “bong bóng”.
Đồng thời, đề xuất xem xét, quy định mức thuế suất rất cao nếu bán, chuyển nhượng lại nhà, đất trong năm đầu tiên và giữ mức thuế suất cao trong năm thứ hai, thứ ba. Các trường hợp bán, chuyển nhượng nhà, đất sau khi tạo lập được 03 năm, hoặc chứng minh được nhu cầu bán, chuyển nhượng nhà đất là chính đáng, thì áp dụng thuế suất bình thường.
Đặc biệt, với người sở hữu nhiều nhà đất mà không dùng để ở hoặc không sử dụng để sản xuất, kinh doanh thì chịu mức thuế suất lũy tiến tùy theo số lượng nhà đất sở hữu. Với người chậm đưa đất vào sử dụng cũng bị đánh thuế cao nhằm triệt tiêu ý chí “găm giữ” đất, chống đầu cơ đất đai. Trong trường hợp thị trường bất động sản bị đầu cơ thì có thể áp dụng thuế suất rất cao để triệt tiêu ý chí đầu cơ.
Ngoài ra, vị chủ tịch HoREA cũng cho rằng, cần thiết xem xét ban hành thuế bất động sản đánh trên giá trị nhà và đất. Hiện nay, người sở hữu nhà chưa phải nộp thuế tài sản nhà ở mà mới chỉ phải nộp thuế sử dụng đất phi nông nghiệp, trong đó có đất ở, với thuế suất đối với đất ở trong hạn mức là 0,03% bảng giá đất, nên mức nộp thuế gần như không đáng kể.
Chủ tịch HoREA cho rằng, sắc thuế này sẽ điều chỉnh và định hướng hành vi mua, bán, chuyển nhượng nhà, đất trên thị trường bất động sản hướng đến mục tiêu phát triển lành mạnh, ổn định, vừa đáp ứng đúng nhu cầu thực (mua nhà để ở) của người tiêu dùng, vừa đáp ứng nhu cầu đầu tư kinh doanh của nhà đầu tư thứ cấp (mua nhà đất để đầu tư, cho thuê), vừa vẫn giải quyết được nhu cầu cất giữ tài sản bằng nhà, đất của người dân.
Để ngăn chặn việc ôm đất bỏ hoang, gây lãng phí nguồn tài nguyên, áp dụng khoa học, công nghệ trong việc xây dựng hệ thống quản lý đất đai, dữ liệu, thông tin về đất cụ thể, công khai, minh bạch để không chỉ cơ quan quản lý về đất mà cả các chủ thể khác trong xã hội có thể tiếp cận, khai thác thông tin về đất góp ý, phát hiện, lên án và đề xuất xử lý những trường hợp vi phạm. Có như vậy thì tình trạng ôm đất bỏ hoang mới có thể được hạn chế, xử lý dứt điểm.
Có một nghịch lý đang diễn ra trên thị trường bất động sản là khi hàng trăm dự án ôm đất, chây ì triển khai nhiều năm trong khi nhiều doanh nghiệp lại chật vật đi săn lùng đất để triển khai các dự án nhà ở mới nhưng không còn quỹ đất. Điều này dẫn đến nguồn cung trên thị trường bất động sản trong vài năm trở lại đây rất nhỏ giọt, đặc biệt là các dự án nhà ở tầm trung.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, việc giải quyết mất cân bằng cung – cầu chỉ giải quyết được vấn đề trước mắt để bình ổn được giá nhà phù hợp. Về lâu dài cần ngăn chặn triệt để hoạt động đầu cơ ôm đất mới là giải pháp bền vững.
Tổng Hợp