Bất chấp những diễn biến không thuận lợi của đại dịch Covid-19 lên nền kinh tế Việt Nam, tác động lớn đến môi trường kinh doanh và hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng ở mức hai con số. Đầu tư trái phiếu nhà đầu tư cần “soi” trước khi “xuống tiền”.
Lãi suất được dự báo tăng, từ đó gia tăng thêm tính hấp dẫn của kênh trái phiếu đối với nhà đầu tư. Tuy nhiên, trước tình trạng nhà phát hành “vàng thau lẫn lộn”, như thời gian qua, ông Lê Hồng Khang – Trưởng phòng, Khối dịch vụ Xếp hạng tín nhiệm – FiinRatings, FiinGroup lưu ý, nhà đầu tư cá nhân cần phải hết sức quan tâm và xem xét một cách thấu đáo 4 lưu ý cốt yếu khi tiến hành quá trình đầu tư tránh mua phải trái phiếu “dởm”.
Thứ nhất, nhóm thông tin về đơn vị phát hành trái phiếu, cần phải biết đây là đơn vị nào, thành lập lâu chưa, lịch sử kinh doanh như thế nào và hoạt động kinh doanh trong 2,3 năm gần nhất ra sao.
Thứ hai, liên quan đến đợt phát hành cổ phiếu, cần phải nắm rõ mục đích phát hành làm gì? Để tái cấu trúc lại nguồn vốn, đầu tư dự án hay tăng quy mô vốn hoạt động? Phương án phát hành, phương án trả nợ nếu thiếu nguồn thì phương án bù đắp là gì?
Thứ ba, liên quan đến bảo lãnh thanh toán và các cam kết mua lại nếu có của đơn vị phân phối cũng như các điều kiện, điều khoản khác trên hợp đồng.
Khi đánh giá năng lực tín dụng liên quan đến trái phiếu sẽ không chỉ dừng lại ở việc đánh giá năng lực tín dụng của tổ chức phát hành, mà nhà đầu tư phải đánh giá cả năng lực tín dụng của tổ chức đứng ra bảo lãnh.
Trong một số trường hợp, đối với các công ty đứng ra bảo lãnh, mức sử dụng đòn bẩy gần như chạm trần, họ sẽ dùng những công ty dự án để vay nợ. Những con số này sẽ không xuất hiện ở trên bảng cân đối kế toán. Trong một số trường hợp, trái phiếu doanh nghiệp được bảo lãnh bởi công ty mẹ nếu có đòn bẩy tài chính vượt ngưỡng hoặc sát trần, chưa chắc an toàn hơn những trái phiếu không có bảo lãnh.
Một vấn đề nữa mà các nhà đầu tư cũng cần phải “soi” trước khi “xuống tiền” đó là vấn đề bảo lãnh. Nếu tài sản bảo đảm là bất động sản và dự án hình thành trên bất động sản thì cần phải nắm được dự án nằm ở đâu, đơn vị định giá có tên tuổi hay không.
Theo quan sát của FiinRatings, năng lực tín dụng mới là yếu tố quyết định khả năng chi trả gốc và lãi vay của doanh nghiệp. Do đó, bên cạnh các yếu tố nêu trên, nhà đầu tư cần phải đánh giá được tình hình tài chính của doanh nghiệp hiện nay ra sao, hoặc chọn giải pháp đầu tư thông qua các sản phẩm của quỹ đầu tư trái phiếu uy tín trên thị trường nếu gặp khó khăn trong việc đánh giá.
Tăng trưởng kép bình quân giai đoạn 2017-2021 đạt xấp xỉ 55%, tổng giá trị phát hành đạt 657 nghìn tỷ đồng trong năm 2021, chưa tính 1,43 tỷ USD trái phiếu huy động trên thị trường nợ quốc tế. Hoạt động phát hành chủ yếu là phát hành riêng lẻ, chiếm hơn 95% tổng giá trị phát hành.
Về lãi suất, thống kê của FiinGroup cho thấy, nền lãi suất giảm so với năm 2020 tác động đáng kể đến lãi suất phát hành của trái phiếu doanh nghiệp phát hành trong năm 2021.
Với khối doanh nghiệp phi tài chính, lãi suất danh nghĩa giảm 150 điểm cơ bản xuống còn bình quân 8,9% năm 2021 so với mức 10,4% năm 2020. Tuy nhiên, mức lãi suất này vẫn hấp dẫn hơn đáng kể so với các sản phẩm tiền gửi tiết kiệm trung và dài hạn của ngân hàng thương mại, do đó các sản phẩm trái phiếu doanh nghiệp thu hút được sự quan tâm của nhà đầu tư trên thị trường.